Vô cảm - Căn bệnh của lối sống

10:34, 23/09/2014

Dư luận gần đây nóng lên sự vô cảm, tác trách của nhân viên y tế dẫn đến những cái chết oan uổng của người dân; những vụ bảo mẫu ngược đãi, hành hạ trẻ thơ tại một số cơ sở nuôi dạy trẻ; những vụ oan sai nghiêm trọng trong ngành tư pháp... Đặc biệt là vụ hôi của tập trung tới hàng trăm người thời gian qua ở Đồng Nai khiến anh lái xe mắc món nợ tới 400 triệu đồng cho thấy bệnh vô cảm đang diễn ra ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, không loại trừ đó là việc cứu người hay dạy người.

Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người dân. Tính thực dụng càng lớn thì bệnh vô cảm trong xã hội càng trầm trọng. Họ có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một người đang gặp tai nạn hay bị làm nhục… như xem một màn kịch. Có khi họ còn lấy điện thoại ra quay video rồi tung lên mạng với những lời vô văn hóa, kích động, không có tình người. Họ coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt, hoặc không lên tiếng can ngăn khi gặp những chuyện tranh cãi, xô xát lặt vặt trong cuộc sống để rồi dẫn tới án mạng... Tại sao họ không can thiệp? Bởi họ vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi họ sợ liên lụy, mang vạ vào thân. Gốc của bệnh vô cảm bắt đầu chính từ suy nghĩ thực dụng của họ.

 

Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta dễ dàng nhận thấy không ít các vụ việc thuộc loại "cướp, giết, hiếp" hay "tiền, tình, tù tội"; nhiều vụ kinh hoàng, sởn gai ốc. Báo chí nêu lên với tác dụng cảnh báo, nhưng có lẽ đọc mãi thành quen, rồi chai sạn, và người ta sẵn sàng thờ ơ trước những chuyện tày trời như thế. Có thể nói, thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính nhân văn, là động thái sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng gì thì có lẽ họ đã bị tê liệt về tinh thần?! Nâng tầm nhận thức, chúng ta có thể suy diễn đó chính là biểu hiện của sự suy thoái về lối sống, đạo đức trong xã hội. Khi căn bệnh này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ khó tránh khỏi suy thoái nền tảng đạo đức và tinh thần, tạo điều kiện cho cái xấu, cái ác nảy nở.


Không chỉ người dân mà một số cán bộ - những "công bộc của dân" cũng đang mắc phải bệnh này. Nó thể hiện ngay ở sự thờ ơ, gây khó khăn, cản trở, thấy việc cần phải làm nhưng không làm hoặc đặt ra những đòi hỏi trái khoáy trong thi hành công vụ khiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội không hài lòng, thậm chí bất bình. Vẫn còn tồn tại những "công bộc" tìm cách "hành" dân, nhũng nhiễu khi giải quyết công việc. Thậm chí, có người còn đang tâm ăn chặn của thương binh, gia đình chính sách, người tàn tật, hộ nghèo...

 

Trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của của lối sống. Con người sinh ra ai cũng sẵn bản tính lương thiện, nhưng từ cái thiện trong tâm để thành cái thiện trong hành động cần được khơi dậy thông qua các phong trào thi đua. Nếu hành động tốt cũng chẳng được cổ vũ, hành động xấu cũng chẳng bị lên án; mọi người cứ thờ ơ, lặng lẽ thì đương nhiên đó là "mảnh đất màu mỡ" cho căn bệnh vô cảm phát triển. Vô cảm không phải là căn bệnh từ xã hội hiện đại đem đến, mà nó sinh ra ngay trong chính suy nghĩ và việc làm của mỗi người chúng ta ở mọi lúc, mọi nơi. Có lẽ đã đến lúc cần phải báo động về căn bệnh vô cảm như một đại dịch đang lây lan trong đời sống. Nó không chỉ như chuyện "ghẻ lở" trên nhân cách cá nhân mà có thể kéo lùi sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

 

Đối với hệ thống công quyền, để trị bệnh vô cảm, chúng ta cần tập trung cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn, đưa ra những quy định khoa học, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của từng người trong guồng máy công vụ để nếu một người không làm đúng chức trách của mình thì lập tức bị bật ra khỏi hệ thống. Nếu một nền hành chính được thực thi một cách khoa học thì dần dần sẽ tạo ra một thói quen, buộc những ai ở trong guồng máy cũng phải làm hết chức phận của mình.

 

Xã hội cần có ngọn lửa nhân ái lan tỏa, những người hoạn nạn càng cần ngọn lửa nhân ái sưởi ấm họ. Mỗi chúng ta hãy chìa bàn tay khi người khác cần, hãy quyết liệt phản đối những hành động xấu sẽ thiết thực góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn. Đó chính là một trong những tiêu chí của xã hội văn minh, đạo đức. Cuộc chiến chống bệnh vô cảm cần được triển khai trong từng gia đình, trước hết là giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Lời dạy của cha ông ta "Thương người như thể thương thân" từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Giải quyết vấn nạn vô cảm không chỉ riêng một ai, không chỉ một ngành, một giới, một lời kêu gọi suông mà phải là tất cả. Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ cộng đồng nhỏ, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học cùng lên án cái xấu, cùng nuôi dưỡng cái tốt. Từ mẫu giáo, phổ thông, cùng với dạy môn đạo đức, hãy dạy trẻ biết chia sẻ với cô giáo, bạn bè, gia đình từ những việc nhỏ nhất như giúp mẹ việc nhà, tự biết phục vụ bản thân... Cái tốt được ươm mầm mỗi ngày một ít sẽ ngấm sâu, bám dễ vào nhận thức của mỗi người. Căn bệnh vô cảm sẽ không còn điều kiện để phát triển./.

 

Vô cảm chính là sự dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án... Trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, ít xuất hiện. Nhưng hiện nay, vô cảm đang có chiều hướng lây lan, trở thành một căn bệnh mang tính xã hội.