Thời điểm này, nhu cầu mua sắm và sử dụng hàng hóa, thực phẩm phục vụ Tết của người dân đang tăng cao. Do đó, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã, đang được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chú trọng và tăng cường.
Vào dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, chúng tôi có dịp đi cùng Đoàn thanh tra, kiểm tra lên ngành của tỉnh gồm: Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Công An tỉnh, Sở Nông nghiệp đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Siêu thị Tôn Mùi 2, Siêu thị Minh Cầu 2 và Cơ sở sản xuất bánh ngọt Hương Tràm. Tại các cơ sở, Đoàn đã kiểm tra giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy khám sức khỏe và chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm… Cùng với đó, Đoàn đã tiến hành kiểm tra hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, nhãn dán… của các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở trên đều chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Buổi kiểm tra nằm trong kế hoạch Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội xuân 2015 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược dinh dưỡng và Kế hoạch bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm ở cả 9 huyện, thành, thị trên địa bàn.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết kéo dài, đồng thời, sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội với nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra ở khắp các địa phương trong tỉnh, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và khách du lịch. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm như: thịt, cá, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát… Đây cũng là cơ hội để một một số đối tượng lợi dụng đưa những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái ra thị trường nhằm trục lợi.
Nên trên thị trường còn có nhiều mặt hàng do người dân tự sản xuất, chế biến, như: lạp xường, bánh chưng, thịt các loại… Những mặt hàng này không có nhãn mác, không rõ hạn sử dụng cụ thể có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, thói quen sử dụng các sản phẩm tự nhiên của người dân: rượu, nấm tươi… không rõ nguồn gỗ cũng dẫn dấn nguy cơ ngộ độc cao. Trên thực tế, năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc ở huyện Võ Nhai. Ngoài ra, thói quen chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm không đúng cách của người dân cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Để đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược dinh dưỡng và Kế hoạch bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể đến từng địa phương, đơn vị liên quan. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các hoạt động truyền thông và thanh tra liên ngành. Hoạt động thanh tra liên ngành sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các hàng hóa, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết, như: thịt, bánh, mứt, kẹo và các cơ sở dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh, kiểm tra thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán các đoàn kiểm tra đã tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương thành lập đoàn liên ngành ở tuyến huyện, xã để kiểm tra chất lượng thực phẩm cung ứng phục vụ Tết.
Theo thống kê, năm 2014, toàn tỉnh đã kiểm tra được 8.913 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó đã phát hiện 1.331 cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt đối với 169 cơ sở với tổng số tiền là gần 156 triệu đồng. Một số lỗi vi phạm chủ yếu thường gặp là: điều kiện cơ sở và điều kiện con người không đảm bảo, ghi nhãn sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, lưu mẫu thức ăn…