Những “cây đại thụ” của bản

10:13, 12/02/2015

Với đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, các già làng, trưởng bản được coi là chỗ dựa tinh thần cho cả bản.

 Bằng uy tín của mình, họ đã tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Các già làng, trưởng bản được ví như những “cây đại thụ”.

 

Ông Lường Văn Thị, người dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm ở Khuẩn Hấu, xã Trung Lương (Định Hóa). Năm nay đã 80 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng. Tuy đã cao tuổi nhưng ông vẫn mang dáng vẻ nhanh nhẹn, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười hiền hậu luôn thường trực. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang, ông Thị vui vẻ cho biết: Giờ ở Khuẩn Hấu đa số đồng bào đều có nhà xây như thế này cả rồi. Đời sống nhân dân đã khấm khá hơn nhiều so với trước đây. Khuẩn Hấu là xóm đặc biệt khó khăn của xã Trung Lương. Trước đây, do tư duy sản xuất lạc hậu nên người dân quanh năm vẫn quanh quẩn với cái đói, cái nghèo. Là một đảng viên, tiên phong trong các phong trào, trong đó có phong trào “xoá đói, giảm nghèo”. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động bà con trong bản... Hiện nay, ở Khuẩn Hấu, bà con đã biết trồng giống lúa mới cho năng suất cao, chuyển đổi diện tích chè trung du hiệu quả thấp sang trồng chè cành có chất lượng và giá cả cao hơn; nhiều hộ trong xóm đã chăn nuôi trâu, lợn, trồng rừng… để tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy, mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm trung bình 3-4%.

 

Rời Khuẩn Hấu, chúng tôi tìm đến xóm Yên Hòa II, xã Bình Yên (Định Hóa) để tìm hiểu về người đã có công đoàn kết nhân dân các dân tộc ở đây. Xóm Yên Hòa II được tách ra từ Hợp tác xã chè Yên Hòa từ những năm 1990. Hiện xóm có 64 hộ với 213 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, trong đó, người dân tộc Kinh chiếm khoảng 50% từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định… đến xây dựng vùng kinh tế mới. Vào những năm đầu mới thành lập xóm, nhân dân trong xóm vẫn còn tâm lý e ngại, hạn chế giao tiếp với nhau. Nắm bắt được điều đó, năm 2008, khi được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận rồi Bí thư Chi bộ vào năm 2012, ông Ma Quang Tiều đã bàn bạc và cùng với các cụ cao niên trong xóm đến từng nhà tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về đoàn kết dân tộc, thuyết phục bà con tích cực giao lưu với nhau trong sinh hoạt, sản xuất. Ông đã đề xuất với chính quyền và các đoàn thể trong xóm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể thao để nhân dân có cơ hội gần gũi, giao lưu với nhau. Hiện nay, người dân xóm Yên Hòa II đã đoàn kết, đồng lòng chung sức phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Năm 2014, xóm đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa.

 

Không chỉ tích cực vận động nhân dân hăng say lao động sản xuất, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bài trừ mê tín dị đoan, tích cực đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…các già làng, trưởng bản còn là người gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Tiêu biểu như ông Hầu Văn Đạo, 73 tuổi ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương). Khi biết chúng tôi quan tâm đến múa Tắc xình, ông Đạo vui lắm. Đặc biệt, khi vừa qua, múa Tắc xình đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Ông Đạo kể: Tôi đam mê điệu múa Tắc xình từ nhỏ. Dạo ấy, mỗi lần được bố mẹ cho đi dự lễ hội, lần nào tôi cũng mải mê xem múa đến quên cả thời gian. Khi lớn thêm chút nữa, thấy bố mẹ tập múa Tắc xình, tôi cũng lân la lại gần xem, hỏi han rồi học theo. Múa Tắc xình đã trở thành một phần không thể thiếu, gắn bó với cuộc sống của tôi cho đến tận ngày nay. Vì thế, khi thấy điệu múa đã gắn bó với cả cuộc đời mình dần bị lãng quên ông Đạo cảm thấy rất tiếc nuối. Vậy là ông dành thời gian, tâm huyết để truyền lại điệu múa này cho con em đồng bào dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ trong xóm trân trọng nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Sán Chay. Ông nhớ lại: Thời gian đầu, không có người dân nào trong xóm muốn tham gia luyện tập múa Tắc xình. Vì họ cho rằng đi múa thì chẳng có thời gian đi hái chè, chăn con trâu...

 

Ngừng lại một chốc, ông nói cho chúng tôi về múa Tắc xình: Điệu múa này mang nhiều ý nghĩa lắm. Nó thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Vũ điệu cũng thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, mối quan hệ thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động. Với ý nghĩa văn hóa, tinh thần lớn lao đó cộng với quyết tâm không để điệu múa truyền thống của người Sán Chay bị mai một, ông Đạo đã vận động các cụ cao niên trong xóm khuyên nhủ con cháu trong nhà học múa. Rồi ông lại đến tận nhà, gặp từng người để nói về ý nghĩa của múa Tắc xình, về điệu múa đó đã gắn bó với bao thế hệ người Sản Chay ra sao. Mưa dầm thấm lâu, bằng sự nỗ lực và uy tín của mình ông Đạo đã thuyết phục được ngày càng nhiều người tham gia. Từ đó, cuối mỗi buổi chiều, dưới những tán rừng ở Đồng Tâm lại vang lên âm thanh “tắc xình, tắc xình…”. Ở đó, người ta thấy hình ảnh một ông lão có giọng nói vẫn sang sảng, động tác thuần thục hướng dẫn, chỉnh sửa từng động tác cho những người trẻ tuổi học múa Tắc xình…

***

Am hiểu các phong tục, tập quán của đồng bào mình, có kinh nghiệm, vốn sống phong phú cùng khả năng vận dụng những kinh nghiệm đó vào thực tiễn… Các già làng, trưởng bản không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng mà còn trở thành nhịp cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Bằng uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình của mình, những “cây đại thụ” của bản đã trở thành nhân tố quan trọng, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.