Báo động tình trạng nghiện game online ở sinh viên

08:30, 13/04/2015

Hiện nay, tình trạng chơi và nghiện game online trong giới trẻ, đặc biệt là trong giới sinh viên chiếm tỉ lệ khá cao. Không thể phủ nhận những lợi ích giải trí mà Gameonline đem lại, song việc chơi game liên tục, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khoẻ, nhân cách, lối sống…

Theo quan sát của chúng tôi, tại các cổng trường đại học và cao đẳng trên địa bàn T.P Thái Nguyên có rất nhiều quán Game hoạt động thâu đêm, suốt sáng. Trong đó tỉ lệ sinh viên đến những quán Game này tương đối nhiều. Cụ thể tại khu vực Trường Đại học Nông Lâm có từ 10 -15 quán Game. Theo chân một nhóm sinh viên, tìm đến quán Game Khôi An, gần Trường Đại học Nông - Lâm, một địa điểm được nhiều bạn sinh viên lựa chọn đến chơi với ưu điểm: đường truyền internet mạnh, dàn máy vi tính chất lượng cao. Chúng tôi được biết quán Game này có tất cả 5 dãy máy tính, mỗi dãy có khoảng 10 máy hoạt động liên tục mỗi ngày. Những người đến đây chơi game đa phần là các bạn học sinh, sinh viên. Vào những giờ cao điểm từ 11 giờ trưa đến 21 giờ tối quán Game thường không còn đủ máy tính để phục vụ các bạn sinh viên.

 

Trong lúc ngồi đợi chủ quán Game Khôi An thanh toán tiền, tôi đã bắt chuyện với bạn Trần Đức A,, sinh viên lớp Dược, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Bạn chia sẻ rằng: Trước đây do buồn chán về chuyện gia đình và học tập nên mình đã tìm đến Game online để giải tỏa tạm thời, nhưng ngờ đâu chơi được một tuần, mình cảm thấy bị lôi cuốn và mất tập trung trong học tập, dần dần mình bị nghiện game lúc nào không hay, môt ngày không chơi game mình cảm thấy tâm trạng rất bức bối và khó chịu. Qua tìm hiểu thêm về nguyên nhân nghiện game của giới sinh viên hiện nay, chúng tôi được biết  một phần là do buồn chán về chuyện tình cảm, học tập hoặc do sự quản lý chưa chặt chẽ của gia đình nên bị bạn bè rủ rê. Mặt khác, là do không có mục tiêu trong công việc, thiếu các địa điểm vui chơi… Nên dẫn đến tình trạng nghiện game online trong giới sinh viên ngày càng tăng. Để lôi cuốn các khách hàng, hiện nay, các nhà sản xuất game trong nước như VinaGame, VTC,... vẫn không ngừng cung cấp cho các game thủ nhiều trò chơi mới, mà đã chơi thì khó có thể bỏ được. Đa phần các trò chơi điện tử đều mang tính kích thích rất mạnh vì trong game có thi đấu, cạnh tranh và có thưởng. Hơn thế, đối với những game mang tính đồng đội cao người chơi sẽ được khẳng định vị trí, tầm quan trọng của mình từ đó khiến họ có cảm giác thỏa mãn, có động lực để chơi tiếp những lần sau dẫn đến tình trạng chơi game liên tục và trở lên nghiện game.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, sinh viên chủ yếu tham gia vào các trò chơi có tính chất bạo lực, như: Liên minh huyền thoại, Đột kích, Kiếm thế hay Đế chế... Mỗi trò chơi đều có những lối chơi và cách tiếp cận riêng.Tuy nhiên các game online này đều có điểm chung là người chơi nhập vai trực tuyến để chém, bắn và giết người mà không suy nghĩ. Những hình ảnh “đầu rơi máu chảy” trong trò chơi dần trở nên khá quen thuộc với các bạn sinh viên. Không chỉ chơi game một cách đơn thuần mà hầu hết các bạn sinh viên đều phải đầu tư một khoản tiền vào các nhân vật trong game. "Chơi game online một ngày mất ít nhất từ 80 đến 200 nghìn đồng, chưa kể ăn uống. Để có tiền sắm sửa cho nhân vật của mình, game thủ thực sự phải đầu tư tiền mua thẻ để mua các dụng cụ, vũ khí trong game. Các nhà sản xuất đều cho phát hành các thẻ với mệnh giá trung bình từ 50 -100 cao hơn từ 200- 300 nghìn đồng tùy vào game”. Bạn Trần Đức Tùng, sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh chia sẻ.

 

Vào giờ cao điểm, các quán game thường không còn đủ chỗ ngồi cho các bạn sinh viên vào chơi nên thậm chí có 2 - 3 người phải chơi cùng một máy. Nhiều sinh viên chơi cả ngày cả đêm, quên ăn, quên học. Có những người chỉ ăn tạm bánh mỳ cho qua bữa khiến cơ thể ốm yếu, xanh xao. Chưa kể một số bạn mặc dù đã dừng chơi  nhưng dư chấn từ trò chơi điện tử vẫn khiến đầu óc trở nên mệt mỏi, căng thẳng, thiếu tỉnh táo… Gần đây trên báo, đài cũng phản ánh rất nhiều trường hợp tử vong vì chơi game online không điều độ. Tiêu biểu nhất là vụ một người đàn ông Đài Loan bị thiệt mạng sau khi liên tục chơi game 3 ngày không nghỉ khiến cơ thể kiệt sức và bị suy tim.

 

Không chỉ dừng lại ở việc gây tổn hại về sức khỏe, tốn kém thời gian lẫn tiền bạc game online còn gây ra những ảnh hưởng tới nhân cách sống và văn hoá của giới trẻ. Sinh viên trở nên cục cằn, khó tính và có những hành vi ứng xử thiếu văn hoá. Không chỉ có thế, ham mê trò chơi điện tử còn dẫn đến sao nhãng học hành, học tập sút kém dẫn đến chán học. Bạn Trần Minh V., sinh viên năm 3, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông - Lâm chia sẻ: Bản thân mình đã từng là người rất nghiện game, những lúc rảnh rỗi bọn mình thường tụ tập chơi game từ 9 giờ tối đến khoảng từ  2-3 giờ sáng. Lắm hôm chơi khuya nhưng sáng hôm sau phải đi học mình thường chỉ đến lớp điểm danh cho xong hoặc nằm ngủ ngay tại lớp. Kết quả học tập ngày càng kém, phải học đi học lại nhiều môn đôi lúc khiến mình chán nản không muốn đi học nữa. Sau dần mình quyết định nghỉ học để tập trung vào game. Một năm nghỉ học mình đã mất đi rất nhiều kiến thức. Đến khi bạn bè ai nấy đều chuẩn bị ra trường mình mới thấy tiếc nuối và ân hận.

 

Quả thực, game online không phải là trò chơi xấu nếu như người chơi biết cân bằng giữa mục đích giải trí và công việc. Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng nghiện game online trong giới sinh viên rất cần sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý thời gian học tập và giải trí để game online trở lên lành mạnh, đúng với mục đích giải trí. Bên cạnh đó, bản thân các bạn sinh viên cần phải biết cân bằng giữa việc giải trí và học tập. Không nên quá sa đà vào các trò chơi online gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân cũng như tiền bạc của bố mẹ. Thay vì chơi game các bạn sinh viên cần tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện… để rèn luyện bản thân và hoàn thiện nhân cách.