Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4: Bảo đảm không gian công cộng cho người khuyết tật

16:06, 17/04/2015

Một trong các yếu tố cơ bản của quy hoạch đô thị bền vững là tổ chức địa điểm cho các cuộc gặp gỡ, tăng cường liên kết cộng đồng. Tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua các không gian công cộng đã trở thành nhu cầu, cũng như thói quen của rất nhiều người trong đó có người khuyết tật. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu như các không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật. Đây cũng đang được coi là một yếu tố cản trở việc hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.  

* Nhiều không gian công cộng "quên" người khuyết tật

 

Việc loại bỏ các rào cản để người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng môi trường không gian công cộng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều văn bản pháp lý như: Luật Xây dựng, Luật Người khuyết tật, Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010, Quyết định số 1019/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011-2020... Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, tạo căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam. Việc thực hiện Công ước đã đề ra mục tiêu đến 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật...

 

Từ năm 2002, Bộ Xây dựng đã ban hành bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng, đến năm 2014, Bộ điều chỉnh lại quy chuẩn trên, trong đó đảm bảo cho tất cả đối tượng như người khiếm thị, người cần có sự trợ giúp... có thể tiếp cận sử dụng. Hiện nay, tại một số địa phương đã áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn vào việc xây dựng đường, hè phố bảo đảm người khuyết tật sử dụng có hiệu quả. Một số công trình công cộng đã tuân theo quy định của Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, như: Trung tâm liên hợp thể thao Mỹ Đình (Hà Nội); Trung tâm Hội nghị quốc gia; Các sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Bệnh viện y học dân tộc Trần Văn An (Cần Thơ); Bệnh viện đa khoa (Tây Ninh); Sở Tư pháp (Lạng Sơn); Siêu thị Maximark (Thái Nguyên); Cầu lên thuyền tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Quốc môn (cửa khẩu Lao Bảo); Nhà trưng bày di sản văn hóa dân tộc vùng lòng hồ Sông Đà – thủy điện Sơn La (huyện Mường La); Nhà thờ giáo sứ Phước Hòa (Nha Trang)... Đường và hè phố tại Đà Nẵng, một số tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều khu đô thị mới, chung cư cũng đã đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận công trình...

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình công cộng dù mới được xây dựng nhưng chưa đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Theo Tiến sỹ Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng, tổng kết Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010 cho thấy: Các công trình được chú trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng đã đảm bảo được vấn đề tiếp cận là các công trình dịch vụ xã hội (chiếm tỷ lệ cao nhất là các công trình y tế 22,6%, các công trình giáo dục 20,8%, công trình triển lãm, nhà trưng bày 13,2%, trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan 11,3%). Việc quan tâm xây dựng các thể loại công trình công cộng là không đồng đều, các công trình chưa được chú ý là : chợ, siêu thị 5,7%, nhà thi đấu 3,8%, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu 7,5%, nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí 3,8%, công trình có tỷ lệ tiếp cận ít nhất là ngân hàng 1,9%. Kết quả điều tra tại các địa phương trên cả nước chỉ ra rằng, trong quá trình thực thi quy chuẩn, tiêu chuẩn vừa qua chỉ những công trình tuân thủ bộ quy chuẩn trên cơ bản là các công trình được xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc các công trình được đầu tư từ vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các địa phương thực hiện tốt thì vẫn tồn tại tình trạng số lượng các công trình và số địa phương triển khai áp dụng còn hạn chế và mới chỉ tập trung ở một số đô thị lớn và cũng mới dừng lại ở mức độ tiếp cận tối thiểu (có đường dốc ở lối vào công trình). Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế là những thành phố có tỷ lệ công trình đảm bảo tiếp cận cao nhất, kế đến là những tỉnh thành có điều kiện phát triển du lịch như Quảng Nam (Hội An), Cần Thơ, Quảng Ninh…

 

Nguyên nhân của vấn đề này là do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao; có tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên nhiều hoặc có tuân thủ quy chuẩn nhưng không đúng các chỉ tiêu về kỹ thuật. Các ngành, các cấp chưa sát sao chỉ đạo các cơ quan chuyên môn địa phương khi thẩm định, cấp phép các công trình xây dựng. Có thiết kế tiếp cận nhưng người khuyết tật tìm được lối đi cho mình rất khó, vì nó ở những nơi khuất, khó nhận thấy, không có biển báo hiệu. Việc kiểm soát các khâu thiết kế, xây dựng chưa triệt để trong đó có khâu thẩm định thiết kế cơ sở các công trình công cộng, hạ tầng giao thông đô thị, trụ sở cơ quan nhà nước... - Tiến sỹ Trần Hữu Hà nhận định.

 

* Tạo không gian công cộng hài hòa, phù hợp trong các đô thị

 

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng chia sẻ: Người khuyết tật ở các nước tiên tiến có thể tự đi lại khắp nơi, đi làm, đi học, vui chơi, đến cửa hàng mua sắm... mà không cần người đi kèm. Nhưng ở Việt Nam, người khuyết tật ra đường phải có người nhà đi cùng. Nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, đồng nghĩa với có thêm hàng triệu người đi theo hỗ trợ. Để người khuyết tật có thể tự mình tham gia vào các hoạt động xã hội, được hưởng thụ các không gian công cộng, các nhà kiến trúc, nhà quy hoạch định đô thị cần đề ra các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và thiện chí của các chủ đầu tư, các nhà quản lý; có cơ chế thưởng, phạt đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động xây dựng tạo môi trường tiếp cận cho người khuyết tật. Các đô thị Việt Nam ngày càng phát triển không ngừng, việc tạo các không gian công cộng trong các đô thị hài hòa, phù hợp cho nhiều đối tượng trong đó có người khuyết tật sẽ giúp con người gần gũi nhau hơn, tiến tới xây dựng xã hội Việt Nam Giàu đẹp - Công bằng - Văn minh.

 

Mới đây, ngày 29/12/2014, Thông tư số 21/2014/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đã được Bộ Xây dựng ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Theo đó, các công trình xây dựng phải đảm bảo phân bố đủ diện tích, các yếu tố kỹ thuật tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng. Hàng loạt công trình xây dựng khác phải dành không gian cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng, như: các công trình xây dựng công cộng (trụ sở cơ quan nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục - dạy nghề), công trình văn hóa - thể thao, công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ, công trình giao thông công cộng (nhà ga, bến xe, cầu vượt, hầm đi bộ, hè phố)... Tại các điểm chờ xe buýt khi có sự thay đổi cao độ phải bố trí vệt dốc hay đường dốc và đặt các tấm lát nổi hoặc đánh dấu bằng các màu sắc tương phản trên đường chờ để người khuyết tật đến được các phương tiện giao thông, đồng thời tại các điểm chờ xe buýt phải bố trí chỗ ngồi cho người khuyết tật và có khoảng trống dành cho xe lăn... Khi Thông tư chính thức có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định trong hoạt động xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Anh Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội đề nghị, Nhà nước nên có chế tài và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về xây dựng công trình tiếp cận người khuyết tật; tăng cường công tác kiểm tra khi thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư xây mới và cải tạo các công trình công cộng, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, chung cư, hạ tầng giao thông đô thị; tạo điều kiện để người khuyết tật được tham gia vào quá trình giám sát việc thi công và nghiệm thu các công trình công cộng./.