Chủ động phòng chống dịch bệnh, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Mặc dù vậy, nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao.
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất là trong thời điểm giao mùa Xuân – Hè, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh về công tác này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết một số dịch, bệnh đang hoặc có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời điểm giao mùa Xuân – Hè này?
Ths Nguyễn Văn Trường: Tìn hình dịch bệnh trên thế giới và tại các nước trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp: dịch bệnh do vi rút Ebola tại Tây Phi; sởi tại Mỹ; cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Hồng Kông đều có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Bên cạnh đó tại nước ta, một số bệnh dịch như: bệnh tay chân miệng đang có sự gia tăng tại một số tỉnh thành; dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, ho gà, viêm não do virus, bệnh dại… cũng đang có nguy cơ tái phát trở lại. Riêng tại Thái Nguyên, chúng tôi đánh giá những bệnh sau rất có nguy cơ xuất hiện trong thời điểm giao mùa Xuân – Hè như hiện tại là: dại, cúm mùa, sởi - rubella, tay chân miệng, thủy đậu, ho gà, viêm não vi rút, tiêu chảy cấp (đặc biệt nguy hiểm do tả, lỵ), sốt xuất huyết...
PV: Được biết, những tháng đầu năm 2015, lượng người mắc bệnh dại và lượng người đi tiêm phòng bệnh dại tăng mạnh gây lo ngại cho người dân. Xin ông cho biết thông tin chi tiết và những ứng phó của ngành Y tế với tình trạng này?
Ths Nguyễn Văn Trường: Dịch bệnh dại vẫn liên tục xảy ra trong nhiều năm gần đây. Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm đều có từ 2 đến 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Thái Nguyên. Trong 2 tháng đầu năm 2015 đã có 3 trường hợp tử vong trong khi năm 2014 mới có 2 trường hợp. Năm 2014, toàn tỉnh có số người tiêm vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại tăng gần gấp đôi so với năm 2013 với 9440 trường hợp. Cũng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015 đã có 1.018 người phải tiêm vắc xin/huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó nghi dại cắn. Mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2014 (1.346 trường hợp) nhưng chúng tôi vẫn đánh giá là còn cao và cần phải có biện pháp tích cực hơn đế phòng chống bệnh dại.
Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dại trên toàn tỉnh ưu tiên công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ y tế các tuyến để giám sát, tư vấn cho các trường hợp bị phơi nhiễm tại cộng đồng để tư vấn, hướng dẫn xử trí vết thương, khám và tiêm vắc xin phòng bệnh. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận với vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại cho người dân tại cộng đồng: đảm bảo ít nhất mỗi huyện, thành, thị đều có 1 điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Chúng tôi cũng yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành, thị chủ động giám sát, phát hiện, khống chế kịp thời các ổ dịch, ngăn chặn không để phát sinh ổ dịch mới; phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống bệnh dại; các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó với mục tiêu đạt trên 80% tổng đàn.
PV: Gần đây, thông tin từ Bộ Y tế cho biết lượng vắc xin dịch vụ trong năm 2015 có nguy cơ thiếu. Tình trạng này có ảnh hưởng đến Thái Nguyên và nếu có thì ngành có giải pháp hay khuyến cáo gì đối với người dân?
Ths Nguyễn Văn Trường: Đối với các loại vắc xin dịch vụ như loại vắc xin 5 trong 1, hay vắc xin 6 trong 1 hiện nay vẫn đang rất khan hiếm. Tuy nhiên loại vắc xin tương tự để phòng các bệnh trên thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (Quinvaxem) thì luôn luôn đầy đủ và khả năng tạo miễn dịch của loại vắc xin này thậm chí còn tốt hơn so với vắc xin dịch vụ vì vắc xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào nên có số lượng kháng nguyên cao hơn.
Tuy nhiên có thể thấy vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia có những phản ứng phụ ban đầu như sốt, đau nhức tại chỗ nhiều hơn so với vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Mặc dù vậy, các vị phụ huynh nên lưu ý rằng, mục đích cuối cùng của việc tiêm chủng là làm sao để trẻ được tiêm đúng lịch và đạt miễn dịch cao. Vắc xin Quinvaxem hoàn toàn thỏa mãn được điều kiện quan trọng này. Do vậy các bậc phụ huynh không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ, vì trong quá trình chờ đợi thì trẻ có thể đã bị mắc bệnh do chưa được tiêm phòng kịp thời, hãy đưa con đến các điểm tiêm chủng tại phường xã để được tiêm phòng sớm và đầy đủ, đúng lịch.
Riêng đối với vắc xin phòng bệnh dại hiện đang sử dụng tại Việt Nam có thể được nhập từ Pháp hoặc Ấn độ. Cũng đã từng có thời điểm bị thiếu trong mấy năm gần đây. Nếu tiếp tục bị thiếu thì Thái Nguyên cũng có thể bị ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên theo nắm bắt của chúng tôi thì sẽ không bị thiếu vắc xin phòng bệnh dại trong năm 2015. Ngoài ra các loại vắc xin khác không xảy ra tình trạng thiếu hụt.
PV: Xin ông cho biết tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi – rubella trên địa bàn hiện nay?
Ths Nguyễn Văn Trường: Chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella tại tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra. Đến nay chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella tại tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và rất an toàn. Tỷ lệ chung toàn tỉnh tiêm đạt 97,2%. Đã có 265 nghìn trẻ đã độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi được tiêm trong chiến dịch; 100% số huyện và 100% số xã đều đạt tỷ lệ trên 95% trẻ được tiêm theo kế hoạch. Toàn chiến dịch đã có 240 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm nhưng không có các trường hợp phản ứng nghiêm trọng. Tuy chiến dịch đã hoàn thành nhưng ngành Y tế vẫn tiếp tục rà soát và thực hiện tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm trong các buổi tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường đặc biệt là các khu vực khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
PV: Xin ông cho độc giả báo Thái Nguyên một số phương pháp phòng tránh dịch bệnh trong thời điểm này?
Ths Nguyễn Văn Trường: Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Đồng thời cũng đang là mùa lễ hội, việc đi lại và giao lưu nhiều dễ làm lây lan các dịch bệnh giữa các địa phương. Để phòng chống một cách hiệu quả các dịch bệnh trong mùa xuân hè này thì người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau: Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống chín, không ăn các thức ăn không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc; không mổ thịt, không ăn gia súc gia cầm ốm chết; tổ chức vệ sinh môi trường cơ quan, nơi công cộng, khu dân cư; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, tiêu diệt mầm bệnh. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là biện pháp lâu dài và hiệu quả nhất vì thế người dân cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh đã có vắc xin để dự phòng. Khi có các biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, hiệu quả.