Sáng 19/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nằm trong Kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về da dạng sinh học” báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2015.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực năm 2009, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay. Qua hơn 6 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học đã có chuyển biến đáng kể: hệ thống tổ chức quản lý đa dạng sinh học được hình thành ở Trung ương và địa phương trong cả ngành môi trường và ngành lâm nghiệp; đa dạng sinh học được quan tâm quản lý, bảo vệ.
Theo kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa sạng sinh học được bảo vệ tại 166 khu bảo tồn với diện tích trên 2,1 triệu ha, đã hình thành và quản lý bảo vệ được 134 khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng, 6 khu bảo tồn biển, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới… Đa dạng sinh học bước đầu đã được khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, môi trường, khai thác nguồn gen phát triển chăn nuôi, ngành y tế, nghiên cứu khoa học…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đa dạng sinh học cho thấy một số bất cập: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực thi Luật đa dạng sinh học còn chậm, có sự chồng chéo các quy định quản lý đa dạng sinh học trong các hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho việc áp dụng và thực thi pháp luật. Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn còn thiếu hụt, chia cắt theo hai hệ thống, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chưa rõ ràng giữa Bộ chủ trì và bộ chuyên ngành, giữa các cơ quan chức năng ở địa phương. Tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Hoạt động của các khu bảo tồn chưa phát huy hiệu quả. Đa dạng sinh học chưa được quản lý, bảo vệ đúng mức…
Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, tồn tại: quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chủ yếu tập trung ở Trung ương, rất hạn chế ở cấp địa phương. Sự phối hợp liên ngành, chủ yếu giữa ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa được đẩy mạnh. Luật đa dạng sinh học là luật chuyên ngành điều chỉnh các hành vi liên quan đến đa dạng sinh học tồn tại song song cùng các luật khác như Luật bảo vệ và Phát triển rừng, Luật thủy sản cũng có quy định về đa dạng sinh học. Các quy định này không thống nhất nhưng vẫn cùng có hiệu lực gây nên những bất cập trong quá trình triển khai.
Nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát đồng bộ và chỉnh sửa các luật có liên quan đến đa dạng sinh học, trong đó xác định Luật đa dạng sinh học là luật khung quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học. Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản điều chỉnh theo hướng quản lý các vấn đề về khai thác, sản xuất. Tăng cường hệ thống tổ chức quản lý bằng việc thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; tăng cường tổ chức quản lý đa dạng sinh học ở địa phương và thực thi pháp luật về đa dạng sinh học.
Tổng Cục Môi trường đề nghị tăng cường nguồn lực tài chính cho đa dạng sinh học, trong đó xác định rõ sẽ dành bao nhiêu GDP cho công tác này, hạng mục nào là đầu tư bắt buộc hàng năm; áp dụng các sáng kiến tài chính mới cho bảo tồn...
Qua các tham luận quản lý nhà nước về đa dạng sinh học hệ thống khu bảo tồn, việc thực thi các quy định của pháp luật hiện hành về bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa phương... các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để tìm các nguyên nhân của thực trạng thực hiện chính sách pháp luật về đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đa dạng sinh học, thực thi pháp luật về đa dạng sinh học có hiệu quả./.