Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng tạo niềm tin trong nhân dân

08:32, 07/01/2016

Năm 2015 được đánh giá là một năm đột phá của ngành tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng khi nhiều chính sách pháp luật liên quan đến ngành được ban hành. Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra về đo lường, chất lượng cũng được triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần tạo niềm tin đối với cơ quan quản lý nhà nước trong nhân dân.

Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về những thành tựu cũng như hướng phát triển trong thời gian tới. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

 

* Phóng viên: Xin Tổng cục trưởng đánh giá những thành tựu đạt được của Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng trong năm 2015

 

Ông Trần Văn Vinh: Năm 2015, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đo lường, quản lý chất lượng đối với lĩnh vực: vàng trang sức, mỹ nghệ; thép; mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; xăng dầu; thiết bị điện-điện tử...; xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, công tác soạn thảo và ban hành các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam (TCVN, QCVN) được đẩy mạnh tăng về số lượng, chất lượng và tỷ lệ hài hòa quốc tế ngày càng được cải thiện. Năm 2015, Tổng cục đã tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ và tổ chức thẩm định hơn 1000 dự thảo TCVN của các Bộ/ngành (tăng hơn 100 TCVN so với 2014); thực hiện thẩm tra, tiếp nhận đăng ký 71 QCVN của các Bộ/ ngành; tham gia góp ý hơn 800 dự thảo TCVN; góp ý khoảng 80 dự thảo QCVN.

 

Công tác quản lý Nhà nước về đo lường tại địa phương cũng được đẩy mạnh. Đơn vị đã kịp thời phát hiện gian lận trong mua bán xăng dầu (tại Đồng Nai, Nghệ An ...), kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ... góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo được niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Đơn vị cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra xăng dầu trên phạm vi toàn quốc và kết quả 1.498 cơ sở kinh doanh xăng dầu với 3.885 cột đo xăng dầu được thanh tra, kiểm tra với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 8 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, Tổng cục cũng tham gia và phối hợp trong hoạt động đàm phán chương TBT trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và Khối mậu dịch tự do Châu Âu, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc và nhiều hiệp định khác.

 

Đối với Chương trình Năng suất Chất lượng quốc gia hiện đã có 5 dự án năng suất chất lượng do các Bộ chủ trì và 53 dự án năng suất chất lượng địa phương được phê duyệt và triển khai thực hiện. Thông qua hoạt động của Chương trình đã góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ, chuyên gia NSCL; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh...; gắn kết giữa khoa học công nghệ với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Tổng cục đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ Hai (2006-2015), tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình quốc gia năng suất chất lượng và định hướng các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2016-2020…

 

* Phóng viên: Thưa ông, mặc dù Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập nhưng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn còn chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc trên thị trường hiện nay, hàng giả hàng nhái vẫn ngang nhiên xuất hiện. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

 

Ông Trần Văn Vinh: Mọi sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường đều có tiêu chuẩn. Bất kỳ hàng hóa nào lưu thông trên thị trường mà không có tiêu chuẩn là vi phạm pháp luật. Vấn đề ở đây chính là việc một bộ phận tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, các bộ, ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tổ chức đấu tranh có hiệu quả và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Các lực lượng chức năng cần quyết liệt triển khai các giải pháp, xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; hoàn thiện thể chế về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận, thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác.

 

Bên cạnh đó, vai trò của Ban Chỉ đạo 389 TW (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động này như chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các Bộ ngành và các địa phương thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan và các lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức. Với trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Chính phủ phân công, Tổng cục sẽ tăng cường, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; tăng cường công tác giám sát hàng hóa trên thị trường cũng như phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Chính phủ phân công.

 

* Phóng viên: “Gian lận xăng dầu” là một trong những vấn đề " nóng" trong năm qua. Được biết, ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT - BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Từ khi ban hành đến nay, Thông tư đã tháo gỡ được những gì cho bài toán trên thưa ông?

 

Ông Trần Văn Vinh: Mặc dù tới ngày 1/4/2016, Thông tư 15 mới có hiệu lực thi hành nhưng qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới tại Thông tư này và nắm bắt tình hình thực tế, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng rất hoan nghênh sự quyết liệt, kịp thời của cơ quan Nhà nước về đo lường chất lượng. Đại đa số các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu đều nhận thức được sự phù hợp của Thông tư 15 với thực tế. Nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện ngay quy định mới của Thông tư (như chủ động gắn máy in chứng từ trên cột đo xăng dầu; liên hệ với nhà sản xuất, nhập khẩu để tổ chức kiểm tra, rà soát, chuẩn hóa các bộ phận, chi tiết, chức năng của cột đo xăng dầu so với mẫu đã được Tổng cục phê duyệt...), không cần chờ đến ngày Thông tư có hiệu lực.

 

* Phóng viên: Đề án TBT (Hàng rào kỹ thuật trong thương mại) giai đoạn 2011-2015 sắp kết thúc. Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của giai đoạn này và phương hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.

 

Ông Trần Văn Vinh: Đề án TBT giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/5/2011, nhưng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tính đến cuối năm 2015, thời gian thực sự thực hiện các nhiệm vụ của Đề án chỉ hơn 3 năm, có nơi hơn 2 năm và có nơi chỉ có 1 năm. Điều này làm cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án trở nên khó khăn. Tuy vậy, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt việc đảm bảo và tuân thủ các nghĩa vụ của Việt Nam vẫn đáp ứng các quy định của quốc tế thì không thể phủ nhận hoạt động TBT trong thời gian đã góp phần thực hiện các chính sách về hợp tác kinh tế quốc tế và chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp, người tiêu dùng.

 

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã giúp các cơ quan quản lý nắm rõ và thực thi quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định TBT từ đó xây dựng ban hành chính sách phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, góp phần giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng khi tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa đạt chất lượng, theo các tiêu chuẩn quốc tế .

 

Trong khi đó, doanh nghiệp cũng nhận thức được sự ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp mình, được cung cấp thông tin kịp thời và chuyên sâu về các quy định vào hàng rào kỹ thuật của các nước thành viên WTO nói chung cũng như của các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Doanh nghiệp tiếp cận được các cơ sở dữ liệu về TBT của các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tra cứu và khai thác thông tin một cách dễ dàng và thuận tiện hơn, góp phần nâng cao năng lực và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường này qua đó giúp cải thiện được khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

Mặc dù vậy, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong giai đoạn 2011- 2015,doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, luôn trong tình trạng phải cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, cố gắng để tồn tại nên vấn đề quan tâm của Doanh nghiệp liên quan đến TBT (các quy định kỹ thuật, Tiêu chuẩn, Quy trình đánh giá sự phù hợp của các nước thành viên WTO…) chưa thực sự được chú trọng. Các tin cảnh báo dù đã được phân tích chuyên sâu và gửi kịp thời hơn so với những năm bắt đầu triển khai Đề án TBT nhưng chưa nhận được nhiều phản hồi từ doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động chính bởi các chính sách của thị trường (nếu muốn xuất khẩu hàng hóa). Việc tiếp cận với Doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn có một số khó khăn nhất định do tính chất đặc thù trong sản xuất kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô hoặc gia công thuê cho các công ty nước ngoài nên mức độ quan tâm đến TBT ở địa phương là không cao.

 

Tôi cho rằng, hoạt động TBT là việc thực hiện nghĩa vụ thành viên trong WTO hoặc trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán, do đó không nên triển khai theo hình thức chia thành giai đoạn ngắn hạn mà cần thiết phải đưa vào các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan tới TBT cần hướng nhiều hơn tới cộng đồng doanh nghiệp bởi thực tế đó là đối tượng có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến vấn đề TBT.

 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!