Hiệu ứng tích cực của truyền thông đa phương tiện

17:54, 11/04/2016

Truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo, thiết kế, xây dựng những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí, y học, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Ngành truyền thông đa phương tiện có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội nên trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã, đang tổ chức đào tạo chuyên sâu lĩnh vực này…

 Những năm qua, nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam tăng trưởng mạnh. Đối với nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực truyền thông đa phương tiện dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực trong lĩnh vực quảng cáo trên báo in, truyền hình, Internet cũng như sản xuất game, web, sản xuất phim, truyền thông... Dựa trên nhu cầu về nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT và TT) đã kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực trên cơ sở Bộ môn truyền thông đa phương tiện được Đại học Thái Nguyên cho phép đào tạo từ cuối năm 2011 để đào tạo chuyên ngành này phù hợp với chiến lược phát triển của Nhà trường; góp phần xây dựng Đại học Thái Nguyên thành Đại học trọng điểm, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu của vùng trung du, miền núi phía Bắc.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tảo, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT và TT cho biết: Qua kết quả khảo sát tại các tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc, chúng tôi nhận thấy nguồn nhân lực phục vụ trong các lĩnh vực truyền thông đa phương tiện còn thiếu rất nhiều. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền hình, quảng cáo, thiết kế và xây dựng website,... Cùng với quy mô phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, con số này còn tăng rất nhanh trong những năm tới. Bên cạnh đó, hiện tại đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện phần lớn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo khác, không đúng chuyên môn, làm việc đa phần dựa trên kinh nghiệm, hoặc tự học thêm, không được đào tạo bài bản nên chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan, tổ chức này chưa cao, do trình độ chuyên môn của các cán bộ còn chưa phù hợp, còn nhiều hạn chế. Vì vậy, một trong những tiêu chí cần thiết phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc là đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện một cách bài bản, chuyên nghiệp.

 

Định hướng chiến lược phát triển của trường Đại học CNTT và TT đối với nhóm ngành truyền thông đa phương tiện là sử dụng các kỹ thuật thiết kế và lập trình có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, tức là đi từ lý thuyết cơ bản đến thực hành, thực nghiệm và thực tiễn. Tiến sĩ Đỗ Thị Bắc, Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện (Trường Đại học CNTT và TT) cho biết thêm: Trong thời gian đào tạo 5 năm, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật, và công nghệ thông tin; các công cụ, phần mềm thiết kế đồ họa 2D, 3D; các ngôn ngữ lập trình, kỹ năng xây dựng phần mềm máy tính; kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, video; kỹ năng thiết kế, sáng tạo các sản phẩm đồ họa phục vụ truyền thông, quảng cáo, giải trí... kỹ thuật lập trình đồ họa 2D, 3D tạo ra sản phẩm đồ họa đa phương tiện tương tác như: kỹ xảo điện ảnh, phim hoạt hình, game, website, đồ họa mô phỏng. Cùng với đó, sinh viên học ngành Truyền thông đa phương tiện được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật và lập trình máy tính, cụ thể như: Chuyên gia xây dựng các nội dung đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, video) phục vụ trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí, truyền hình, điện ảnh, báo chí, Internet, quảng cáo...; Chuyên gia thiết kế và lập trình game 2D, 3D, web 3D. Chuyên gia xây dựng phim hoạt hình.

 

Hiện, khoa Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học CNTT và TT đã có gần 400 sinh viên theo học. Sinh viên Hoàng Thị Lệ Thu thông tin: Sau 3 năm học, em đã được trang bị khối kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành. Học tập lý thuyết gắn với thực hành nhiều trên máy tính, ứng dụng phần mềm nên sinh viên lĩnh hội được nhiều kiến thức, có khả năng làm việc độc lập. Như vậy, khi tốt nghiệp em sẽ có cơ hội tìm được việc làm tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước.

 

Nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện đang có nhiều lợi thế so với các ngành đào tạo khác, bởi thế đào tạo chuyên sâu lĩnh vực này là hướng phát triển đúng đắn của Trường Đại học CNTT và TT.