Đảo Nam Yết - xứ dừa giữa Trường Sa

07:38, 12/05/2016

Nam Yết là một trong những đảo có nhiều cây dừa nhất trên quần đảo Trường Sa. Những trái dừa ở đây không chỉ là "đặc sản" của đảo mà còn là nguồn giống quan trọng để cán bộ, chiến sĩ nhân rộng ra trồng trên đảo và các đảo khác, góp phần tạo màu xanh cho quần đảo Trường Sa.

Chiếc cano cao tốc đưa chúng tôi từ tàu Hải quân lướt nhẹ trên mặt biển xanh biếc, với những con sóng hiền hòa, cập cầu tàu ở đảo Nam Yết. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo là những cây dừa được trồng thẳng tắp hai bên lối đi với những buồng quả sai trĩu. Là người đã gắn bó nhiều năm với đảo, Trung tá Phạm Duy Hướng, Chính trị viên đảo Nam Yết cho biết: Thổ nhưỡng trên đảo Nam Yết rất đặc biệt. Bên dưới bề mặt nền cát san hô của đảo sâu khoảng hơn 1m là lớp phân chim và lá cây mục rất dày. Đây là nguồn dinh dưỡng phong phú cho các loại cây trên đảo phát triển, nhất là cây dừa. Trên đảo hiện có hàng trăm cây dừa lớn nhỏ, đó là thành quả của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác tại đây.

 

Dừa ở đảo Nam Yết có cây cao tới hơn 30m, trái cho nước ngọt và cùi dày. Những cây dừa lớn đều được cán bộ, chiến sĩ trên đảo gắn biển số thứ tự. Việc hái trái dừa tại đây chỉ được thực hiện khi có "lệnh" của đồng chí chỉ huy đảo. Thường trong những dịp lễ, tết, sinh nhật đồng đội hay đồng chí nào mới ốm dậy mới có tiêu chuẩn để thưởng thức những trái dừa mọng nước của đảo. Bởi dừa trên đảo Nam Yết chủ yếu nhằm mục đích nhân giống để trồng trên đảo, cũng như cung cấp giống cho những hòn đảo khác.

 

Gắn bó và đam mê với công việc ươm tạo giống dừa, Thượng úy Tạ Trung Kiên được các chiến sĩ trên đảo gọi với cái tên trìu mến "kỹ sư trồng dừa". Những quả dừa già sẽ đượcThượng úy Tạ Trung Kiên cẩn thận hái xuống, đặt dưới lớp cát trộn lẫn xơ dừa và được tưới nước liên tục trong khoảng 3 tháng trong khu nhà ươm cây của đơn vị. Khi mầm dừa phát triển được 4 lá là có thể đem ra trồng ở ngoài đảo. Trong một năm đầu, việc chăm sóc cho cây dừa con rất quan trọng, vì vậy các chiến sĩ trên đảo đều tận dụng tối đa nguồn nước ngọt sinh hoạt hàng ngày để tưới cho cây. Khi cây đã thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên đảo, cây dừa sẽ có sức vươn lên rất mạnh mẽ. Từ đầu năm tới nay, các chiến sĩ trên đảo Nam Yết đã ươm thành công khoảng hơn 300 cây dừa con. Hàng tháng các chiến sĩ trên đảo Nam Yết thường làm một công việc rất đặc biệt là "vệ sinh" cho dừa. Những bẹ dừa khô sẽ được gỡ xuống để hạn chế nguy cơ tạo mầm bệnh ở ngọn dừa cũng như làm cho hoa dừa đậu được nhiều trái.

 

Theo Trung tá Phạm Duy Hướng, sức sống của cây dừa Nam Yết giống như tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo tiền tiêu này. Mặc dù hàng năm có rất nhiều cơn bão lớn hình thành trên biển Đông và quét ngang qua đảo, nhưng với sự dẻo dai của mình chưa một cây dừa nào bị gãy đổ, cả rừng dừa trên đảo vẫn xanh tốt. Với sự vượt trội về chiều cao, những cây dừa còn chở che cho những vườn rau xanh cũng như nhiều loại cây nhỏ khác trước sự tác động trực tiếp của hơi muối và bão gió khắc nghiệt ngoài khơi xa.

 

Gắn bó với đời sống của những người lính đảo nên trong những dịp quan trọng như ngày Tết Nguyên đán không thế thiếu vắng sự "góp mặt" của cây dừa. Phần cùi dừa được những bàn tay khéo léo của các chiến sĩ chế biến thành loại mứt dừa thơm ngon. Bánh chưng trên đảo Nam Yết cũng rất đặc biệt khi được gói bằng lá bàng vuông kết hợp với lá dong và lớp ngoài cùng bao giờ cũng được trang trí bằng lá dừa.

 

Trung tá Phạm Duy Hướng chia sẻ, khi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết hoàn thành nhiệm vụ trở lại đất liền, trong thâm tâm ai cũng muốn mang giống dừa này về trồng làm kỷ niệm. Nhưng không có ai thực hiện điều đó vì các chiến sĩ hiểu rằng chỉ cần thêm một cây dừa bén rễ ở đảo Nam Yết nói riêng và các đảo khác trong quần đảo Trường Sa nói chung, sẽ góp phần tạo màu xanh và sức sống mãnh liệt cho đảo trước phong ba bão táp của biển cả./.