Triển khai nhiều can thiệp thiết yếu để CSSK bà mẹ, trẻ em

15:21, 31/12/2016

Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung vàotăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ; ưu tiên những vùng khó khăn nhằm thu hẹp sự chệnh lệch về tình trạng sức khỏe và tử vong mẹ, trẻ sơ sinh giữa các vùng miền.

Theo đó, các can thiệp thiết yếu sẽ được thực hiện gồm: chăm sóc trước khi mang thai; chăm sóc trong khi mang thai; chăm sóc trong và ngay sau khi sinh; chăm sóc sơ sinh; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ nhỏ từ 0 – 24 tháng tuổi; sàng lọc đánh giá sự phát triển về tâm thần và vận động ở trẻ; tiêm chủng cho bà mẹ, trẻ em… Những can thiệp thiết yếu này sẽ góp phần đáng kể cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở Việt Nam, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

 

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nước ta vẫn gặp thách thức do sự khác biệt khá lớn về sức khỏe, bệnh tật, tỷ lệ tử vong và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền, các nhóm dân tộc.

 

Tỷ lệ tử vong mẹ do các nguyên nhân trực tiếp ở các tỉnh miền núi còn cao so với cả nước và đáng quan ngại hơn là tỷ lệ này không có xu hướng giảm (theo Điều tra năm 2013 – 2014 tỷ lệ là 81,2%). Bên cạnh đó, tử vong sơ sinh còn cao, chiếm tới 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và tốc độ giảm rất chậm. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng như suy dinh dưỡng trẻ em còn ở mức cao, tình trạng thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng…

 

Trong khi đó, mạng lưới và chất lượng chăm sóc chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản; nhân lực thiếu trầm trọng ở tất các các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, tỉnh ở cả 2 lĩnh vực nhi và sản. Sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em và dự phòng HIV còn hạn chế; tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên có xu hướng gia tăng…

 

Trước thực trạng trên, nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em hiện đang được triển khai hiệu quả như: Tăng cường người đỡ đẻ kỹ năng tại các tuyến; cập nhật và chuẩn hóa kỹ năng chăm sóc sức khỏe mà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu trong và ngay sau đẻ; đào tạo về hồi sức cấp cứu trong sản khoa; đào tạo kíp phẫu thuật cấp cứu sản khoa tuyến huyện; hỗ trợ để thực hiện cấp cứu sản khoa toàn diện tại bệnh viện huyện (như mổ lấy thai và truyền máu); thẩm định tử vong mẹ...