Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân

15:56, 17/01/2017

Với sự quan tâm của Nhà nước, nỗ lực của cơ quan chuyên trách, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt vẫn còn tình trạng chủ quan, thiếu ý thức phòng ngừa cháy nổ dẫn tới thiệt hại cả về người và tài sản…

Những thành quả đạt được

 

Ông Đỗ Quang Thư, Trưởng phòng PCCC (Công ty TNHH Samsung Việt Nam Thái Nguyên): Để đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy, Công ty chúng tôi đã bố trí bộ phận chuyên trách với tổng số 139 người, chia thành 2 ca, 3 kíp. Lực lượng này thường trực để kiểm tra, quản lý thiết bị phòng cháy, chữa cháy và kịp thời báo cáo với lãnh đạo Công ty về nguy cơ, sự cố cháy nổ.
 

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên): Nguy cơ cháy nổ xảy ra tại các khu dân cư của phường rất cao nên cấp uỷ, chính quyền địa phương đã, đang và sẽ quan tâm đến công tác này. Để thực hiện hiệu quả công tác PCCC, sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn trong công tác huấn luyện, diễn tập tình huống cho nhân dân tại các tổ dân phố là rất quan trọng. Nhiệm vụ này sẽ được địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Ông Đỗ Quang Thư, Trưởng phòng PCCC (Công ty TNHH Samsung Việt Nam Thái Nguyên): Để đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy, Công ty chúng tôi đã bố trí bộ phận chuyên trách với tổng số 139 người, chia thành 2 ca, 3 kíp. Lực lượng này thường trực để kiểm tra, quản lý thiết bị phòng cháy, chữa cháy và kịp thời báo cáo với lãnh đạo Công ty về nguy cơ, sự cố cháy nổ.

 

Ông Phùng Quang Luấn, Trưởng phòng Bảo vệ (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên): Đơn vị chúng tôi đã ký Quy chế phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH. Ngoài việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh đã hỗ trợ 11 đơn vị của Công ty tại Thái Nguyên trong công tác tuyên truyền, diễn tập tình huống, kiểm tra chất lượng thiết bị phòng cháy. Quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị thực sự có ý nghĩa, phát huy hiệu quả.

Công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh những năm gần đây khá kịp thời và hiệu quả. Nhiều văn bản cụ thể hoá luật, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã được tuyên truyền, phổ biến trực tiếp và gián tiếp qua các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cả hệ thống chính trị và người dân về công tác PCCC&CNCH. Mạng lưới, nguồn lực dành cho công tác PCCC&CNCH đã được Bộ Công an và UBND tỉnh quan tâm. Đến nay, Cảnh sát PCCC tỉnh đã có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuẩn về trình độ, nghiệp vụ và được trang bị nhiều thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ các địa phương lân cận. Ngành đã thành lập được các đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo các khu vực địa lý của tỉnh; duy trì 3 cụm an toàn PCCC&CNCH, 3.099 đội dân phòng, 2.381 đội phòng cháy cơ sở với tổng số gần 5 vạn đội viên; 96,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường được sự hỗ trợ của cán bộ Cảnh sát PCCC tỉnh nên xây dựng được phương án chữa cháy và thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh để tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, giả định tình huống phải xử lý khi xảy ra cháy nổ để các thành viên đội PCCC cơ sở luyện tập…

 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh: Do có sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh nên công tác PCCC&CNCH của tỉnh được quan tâm về mọi mặt, phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền 9 huyện, thành, thị phát động Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ; Cảnh sát PCCC tỉnh triển khai Ngày Toàn dân phòng cháy và CNCH (4-10)… để tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn lao động; phòng chống cháy, nổ. Riêng về công tác phòng, chống cháy nổ đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm và giúp đỡ các đơn vị, địa phương tập huấn kỹ năng, lên phương án phòng cháy; kiểm tra định kỳ các thiết bị có nguy cơ gây cháy nổ cao tại một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Tính chủ động trong công tác phòng, chống cháy nổ của các cơ quan chức năng trong tỉnh khá nghiêm túc và liên tục có sự sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Không chủ quan với “giặc lửa” và thiên tai

 

Mặc dù công tác PCCC&CNCH đã có nhiều kết quả tích cực nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra cháy nổ gây chết người và thiệt hại lớn về tài sản. Qua các vụ hoả hoạn trong năm 2016 cho thấy, nguồn lửa gây cháy được xác định ngay tại trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp và nhà dân. Trước những hậu quả nặng nề của “giặc lửa”, Nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản pháp quy để yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm túc công tác này. Tuy nhiên, ý thức phòng, chống cháy nổ của người đứng đầu một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhất là một bộ phận dân cư trong tỉnh chưa cao dẫn đến liên tục để xảy ra nhiều vụ hoả hoạn rất đáng tiếc. Theo số liệu mới nhất của Cảnh sát PCCC tỉnh, số vụ cháy trong năm 2016 là 133 vụ (2 vụ cháy lớn, 43 vụ cháy trung bình, 88 vụ cháy nhỏ), tăng 44 vụ so với năm 2015. Hậu quả của các vụ cháy nổ làm chết 2 người, bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng (tăng 7 tỷ đồng so với năm trước). Qua số vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy: trên 66% số vụ cháy nhỏ xảy ra tại nhà dân và hệ thống dây điện bị chập do quá tải, va quệt. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân bất cẩn khi dùng nguồn lửa, nguồn điện (dây điện không đảm bảo so với công năng sử dụng). Các vụ cháy xảy ra tại nhà dân thường cháy hết tài sản và nguy cơ cháy lan sang các nhà phụ cận vì đường vào quá nhỏ xe chữa cháy khó tiếp cận, phương tiện phòng cháy tại chỗ lại không được trang bị đầy đủ; khả năng dập nguồn lửa của người dân kém.

 

Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cũng đặt ra ngày một bức thiết khi thời tiết biến đổi khó lường dẫn tới lũ lụt, sạt lở liên tục xảy ra vào mùa mưa tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cùng với đó là vấn đề tai nạn giao thông, sự cố kỹ thuật… xảy ra trên địa bàn có nguy cơ gia tăng về số lượng và mức độ. Chỉ tính riêng năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ cần sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn và hậu quả là 12 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản là 16 tỷ đồng…

 

Cháy nổ, thiên tai, sự cố kỹ thuật luôn tiềm ẩn, có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh, cần sự vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân. Chỉ có như vậy mới phát huy tối đa khả năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay tại cơ sở, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.