Phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ

08:55, 09/05/2017

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong 5 nguyên nhân thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tại Thái Nguyên, những vụ đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của nhiều em nhỏ. Tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian qua đã dấy lên hồi chuông về sự cần thiết phải có những biện pháp phòng tránh đuối nước kịp thời.

Mùa hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng do trẻ em bước vào kỳ nghỉ hè, vì vậy các gia đình cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ nhỏ.

 

Nguyên nhân gây đuối nước

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.

 

Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của môi trường sống xung quanh.

 

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, thì do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.

 

Các biện pháp phòng tránh đuối nước

 

Dạy trẻ tập bơi sớm là một trong những biện pháp chống đuối nước cần thiết.

Luôn mang phao bơi cho trẻ để phòng chống đuối nước.

Cho trẻ đi bơi ở bể bơi có khu vực dành cho trẻ em được ngăn rẽ riêng biệt và có rào chắn.

Luôn trông chừng trẻ khi đưa trẻ đi bơi hoặc gần nơi có vùng nước có thể gây nguy hiểm.

Cần xem  sức khỏe con em mình có đảm bảo để tham gia hoạt động bơi lội hay không? Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi. Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi, phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.

 

Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dậy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như:  Khởi động kỹ trước khi xuống nước; xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy; cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi...

 

Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi, khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cùng với đó, cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy.