Từ nhiều năm nay, cạnh bờ sông Đu (tại xóm Cẩm 2, xã Phục Linh, huyện Đại Từ) xuất hiện một số xưởng nghiền than cám và nghiền đá vật liệu xây dựng nên gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đáng chú ý tại khu vực này có hiện tượng đổ đất, đá thải sát bờ sông gây nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Theo người dân tại xóm Cẩm 2 phản ánh, những xưởng than này do một số người dân địa phương làm chủ và đã hoạt động khoảng 5 năm trở lại đây. Các cơ sở tiến hành xay than thành phẩm với khối lượng hàng chục tấn mỗi ngày nên gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước; bụi than, đá phát tán ra môi trường chung quanh, nhất là những khi có gió. Do các xưởng này được xây dựng sơ sài nên vào những ngày mưa, nước than đen chảy thẳng xuống sông Đu làm nguồn nước chuyển sang màu đen kịt. Ông Nguyễn Hồng Hải, ở xóm Cẩm 2 cho biết: Nhà tôi ở chỉ cách xưởng này khoảng 50m nên bụi than bay vào nhà và phủ kín lên các vật dụng sinh hoạt. Do bụi than, đá nên người dân quanh đây thường bị mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chúng tôi kiến nghị lên chính quyền nhưng mãi không được giải quyết. Còn ông Ma Văn Thử, Trưởng xóm Cẩm 2 chia sẻ: Xóm có hơn 70 hộ dân thì có khoảng 30 hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do các xưởng than hoạt động.
Để làm rõ phản ánh của người dân, chúng tôi đã có mặt sông Đu (đoạn cầu treo xóm Cẩm 2 đến khu vực cửa xả nước thải của bể lắng thuộc Mỏ than Bắc Làng Cẩm). Tại đây, nước dòng sông Đu đã chuyển thành màu nước than. Tuy chưa đầy 1km nhưng có tới 3 xưởng than và 2 xưởng nghiền đá vật liệu xây dựng hoạt động. Tại những xưởng này, các đống than, đá nguyên liệu và thành phẩm được đổ tràn lan, cách bờ sông chỉ vài mét, có những tảng đá to bằng chiếc thúng lăn xuống tận mép sông. Các xưởng than với thiết bị máy nghiền công suất lớn, mỗi khi có xe ô tô ra vào vận chuyển than thành phẩm thì bụi cuốn theo mù mịt. Cạnh đó, các xưởng nghiền đá cũng tấp nập xe tải ra vào.
Ông Trần Văn Nghiên, ở xóm Bún 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) (nhà ở cạnh bờ sông Đu) lo lắng: Trước đây, bãi soi này rộng và bằng phẳng nên khi có mưa to, nước sông Đu không bị ứ đọng và ít khi tràn vào nhà, ruộng đồng. Tuy nhiên, từ khi khu này bị đổ đất đá cao hàng chục mét so với trước, gần như năm nào cũng bị nước tràn vào nhà. Chúng tôi có kiến nghị với chính quyền địa phương, nhưng do các xưởng này nằm ở địa phận huyện Đại Từ nên không giải quyết được...
Giải thích về tình trạng ô nhiễm và việc đổ thải nguy cơ làm thay đổi dòng chảy của sông Đu, ông Nguyễn Đình Khương, Chủ tịch UBND xã Phục Linh cho rằng. Mặc dù các xưởng trên nằm trên địa bàn xã Phục Linh, nhưng khu vực các xưởng than, đá này hoạt động lại do Công ty Than Phấn Mễ quản lý, vì vậy, chính quyền địa phương rất khó giải quyết. Còn ông Nguyễn Duy Khải, Phó Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ lại khẳng định: Tất cả các xưởng than, đá ở khu vực xóm Cẩm 2 đều nằm ngoài đất của Mỏ than Phấn Mễ. Thời gian qua, do bùn thải của bể lắng tại Mỏ than Bắc Làng Cẩm bị đầy nên nước thải tràn qua cửa xả, chảy xuống sông Đu. Hiện tại, đơn vị đang chuẩn bị triển khai phương án hút bùn thải tại bể lắng, khi đó nước thải từ moong than lên sẽ lắng trong rồi mới xả ra sông. Dự kiến, trong 1 tháng nữa sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng nước than chảy ra sông Đu.
Việc các xưởng than, đá hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đổ thải cạnh bờ sông Đu gây nguy cơ thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Vì vậy, các cấp chính quyền cần sớm vào cuộc xử lý để trả lại trạng thái ban đầu cho dòng sông.