Để gia đình không có bạo lực

16:42, 24/06/2017

Liên tục nhiều năm nay, các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã chọn khẩu hiệu: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” làm chủ đề hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Một khẩu hiệu bình dị, nhưng sâu sắc, nhắc nhớ mỗi người dù bận rộn đến mấy, song mái ấm gia đình vẫn là nơi chốn bình yên cho mỗi người.

Chuyện bữa cơm gia đình, ông Bùi Xuân Dũng, tổ 3, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Là một doanh nhân, công việc bận rộn, nhưng tôi luôn dành thời gian để về nhà, ăn cơm với người thân. Bên mâm cơm, các thành viên trong nhà cùng trò chuyện, chia sẻ và được chăm sóc nhau. Còn bà Đinh Thị Dẻo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) cho biết: Bữa cơm gia đình không cầu kỳ bày đặt nhiều thứ vật chất, nhưng đó là khoảnh khắc quan trọng, giúp các thành viên trong nhà cảm nhận được đầy đủ nhất về 2 chữ hạnh phúc.

 

Tuy nhiên trong cuộc sống của thời hiện đại, một bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong nhà, sẽ là điều xa xỉ, khó thực hiện đối với không ít gia đình. Bà Vũ Thị Xuân, xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) tâm sự: Gia đình tôi có 3 thế hệ chung sống. Mẹ tôi đã ở tuổi mấy nay hiếm, thường ăn sớm để nghỉ ngơi; vợ chồng tôi làm rừng, làm rẫy, mỗi ngày hết việc mới cùng ngồi vào mâm, các con đang đi học, chúng tranh thủ ăn để đến lớp đúng giờ. Nên vào ngày cuối tuần, dù bận, tôi cũng tranh thủ đi chợ, thổi nấu những món ngon để cả nhà cùng thưởng thức. Ông Nguyễn Văn Ký, chồng bà Xuân góp chuyện: Những hôm mọi người trong nhà có mặt đông đủ, nhìn vợ bếp núc nhễ nhãi mồ hôi, tôi thấy thương vợ hơn.

 

Nhưng không phải dưới mái nhà nào cũng có bữa ăn đầm ấm, mà thay cái hạnh phúc “chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon” thường nhật, là nỗi thống khổ của các thành viên trong nhà. Tôi đã chứng kiến không ít gia đình hễ bắt đầu ngồi vào mâm cơm, cũng là lúc các thành viên trong nhà tranh cãi. Tội nghiệp cha, mẹ già nuốt miếng cơm bị nghẹn tắc ngang cổ, tụi nhỏ ngơ ngác chẳng dám ăn. Ông Lý Văn Nùng, xóm Cây Bòng, xã La Hiên (Võ Nhai) đúc kết: Bạo lực gia đình không phải là sản phẩm của sự nghèo khó, túng thiếu, mà xuất phát từ một cách sống thiếu nền nếp trong gia đình, dòng họ.

 

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong thời gian từ năm 2010 đến hết tháng 5 năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 3.400 vụ bạo lực gia đình. Chủ yếu bạo lực về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế, nhưng người bị bạo lực không báo cáo với chính quyền địa phương, vì e ngại, xấu hổ.

 

Theo bà Hà Mai Hiên: Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa - Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình phần lớn là phụ nữ. Nguyên nhân có nhiều, như thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế, thiếu kỹ năng ứng xử, bất đồng quan điểm sống. Một nguyên nhân quan trọng là từ cơ sở, nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền, đoàn thể và cộng đồng làng, xóm, tổ dân phố về việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực gia đình rất hạn chế, dẫn đến không làm hết trách nhiệm. Nhiều cán bộ xã, phường, thị trấn còn cho đó là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hành động bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

Nhằm hạn chế tình trạng này, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thường xuyên tăng cường mở các lớp tập huấn về công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho các đối tượng là cán bộ làm công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã và đại diện ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ và các ban chủ nhiệm CLB, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức, hướng dẫn cho địa phương triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống bạo lực gia đình, như tổ chức hội thảo, hội thi, với chủ đề: “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; thi tìm hiểu pháp luật với chủ đề “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam”.

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, thu hút được hầu hết các hội vên phụ nữ tham gia. Đến này toàn tỉnh đã thành lập được hơn 1.000 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, hàng nghìn câu lạc bộ “5 không ba sạch” và câu lạc bộ gia đình không có bạo lực. Các huyện, thành phố và thị xã thực hiện cấp phát mỗi năm gần 3.000 cuốn sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; hỏi đáp về bình đẳng giới; tài liệu giáo dục đời sống gia đình và phát hành 1.450 đĩa, hơn 1.200 cuốn tài liệu, 10.000 tờ rời, tờ gấp các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình đến người dân.

 

Trong 5 năm gần đây, tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh, cán bộ chức trách đã thực hiện hòa giải thành công hơn 1.000 vụ mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, trong đó hoà giải thành công gần 900 vụ, đặc biệt có gần 150 cặp vợ chồng đã nộp đơn xin ly hôn, đã tự nguyện rút đơn “dắt nhau” về chung sống hạnh phúc.

 

Một người từng “trong cuộc bể dâu” chia sẻ: Trước đây, vì bận công việc, tôi thường phải đi ăn ở nhà hàng với đối tác. Vợ ở nhà chờ cơm, sinh ghen tuông. Áp lực công việc, áp lực gia đình đến nghẹt thở, dẫn đến việc vợ chồng không hòa thuận. Hết chịu nổi, chúng tôi đã tìm đến tòa án xin được ly hôn. Rất may, các bác trong tổ hòa giải đã đến khuyên giải, dàn hòa. Nhận thức rõ phải, trái, vợ chồng về lại với nhau, sống cảm thông, chuyện việc nhà, việc nước cùng chia sẻ. Giờ tôi mới nhận ra rằng, phía sau lưng mình luôn có người chờ đợi, lo lắng. Nên dù bận mấy, mỗi ngày tôi cũng trở về nhà đúng giờ để cùng vợ, con ngồi quây quần bên mâm cơm. Đó là lúc tôi nhận thấy lòng mình thanh thản, vô tư, bình yên và hạnh phúc nhất.