Sau bao ngày mưa là ngày nắng đẹp. Ánh nắng mỏng manh, trong veo nhưng đủ sức làm bừng lên những trồi non, lộc biếc, sắc hồng của những cánh đào trong vườn nhà và dọc lối đi vào bản người Dao Suối Hang (Yên Ninh - Phú Lương). Chúng tôi ríu ran trò chuyện trong vườn bưởi lúc lỉu quả của gia đình anh Triệu Hữu Ngữ. Dưới những gốc cây, mấy chục con gà lông mượt óng, quẩn quanh tìm thức ăn; trong chuồng lợn ủn ỉn đòi ăn. Anh Hữu vui vẻ: Lợn, gà nuôi chuẩn bị đón Tết đủ cả rồi!
Sau gần 20 năm, Xuân này tôi mới có dịp trở lại Suối Hang, gặp lại những người xưa đã lên chức ông, bà, cảnh cũ có nhiều đổi khác. Bản Suối Hang cằn khô sỏi đá, đồi trọc, thiếu nước, không điện ngày nào, giờ đã khoác lên mình một màu xanh trù phú của keo lai, chuối, bưởi, điểm tô hoa cúc, hoa đào... Con đường trước kia, chúng tôi phải tháo giày để chân chần vượt qua đám sình lầy giờ đã được đổ bê tông gần 2km; 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; 70% số hộ đã được sử dụng nước sạch; hơn 90% số hộ làm được nhà xây kiên cố... Tôi như lạc lối trong những vườn cây ăn trái trĩu trịt quả lớn, nhỏ. Anh Triệu Hữu Ngữ phấn khởi nói: “Giờ bản Suối Hang không còn đất trống, người Dao nơi đây đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng nhờ trồng hơn 50ha chuối Tây, 4ha chè kinh doanh, gần 100ha rừng sản xuất; nhà trồng ít cũng có gần chụ gốc bưỡi Diễn, trồng nhiều khoảng 200 gốc... Việc trồng cây ăn quả đã góp phần tăng thêm thu nhập, giúp người dân thoát nghèo mà còn có điều kiện xây nhà, mua sắm các vật dụng sinh hoạt hiện đại, cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Đời sống của 80 hộ đồng bào dân tộc Dao nơi đây ngày một khấm khá, bữa ăn không còn là nỗi lo thường nhật nên bà con chú tâm hơn đến việc cùng với Nhà nước đối ứng xây dựng các công trình phúc lợi; chuẩn bị đón Tết, vui Xuân háo hức, chu đáo hơn. Chỉ tay vào đàn gà, anh Ngữ nói tiếp: Tôi vừa thiến con gà trống để chuẩn bị ăn Tết. Người Dao ăn Tết sớm, bắt đầu từ 20 tháng Chạp. Các hộ trong bản lần lượt làm cỗ để mời đại diện các gia đình đến chung vui.
Đến nay, dù đời sống đã phát triển hơn về mọi mặt, song đồng bào người Dao đỏ Suối Hang vẫn giữ được những phong tục đón Tết truyền thống, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn xã nói riêng và huyện Phú Lương nói chung. Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao Suối Hang đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Với tâm niệm Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau 1 năm lao động vất vả, và cũng là để báo với tổ tiên tất cả chuyện vui, buồn, những khó khăn, vất vả trong năm, nên ngay từ tháng 8, tháng 9 âm lịch, bà con đã bắt đầu nuôi lợn, nuôi gà để dành riêng cho những ngày Tết. 20 tháng Chạp, các gia đình đều gác lại mọi công việc để ăn Tết. Người Dao đỏ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng Tất niên. Mâm cỗ ngoài bánh chưng, loại bánh gù đặc trưng của người Dao, thịt lợn, thịt gà, rượu, thường có thêm đĩa bánh dày hoặc bánh nếp gói trong lá chít. Người Dao đỏ không tự làm lễ mà mời thầy cúng, hoặc những người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn, để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ. Và mời “ma nhà”, gồm có ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà khỏe mạnh.
Đường vào Suối Hang mới được đổ bê tông tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Đêm giao thừa, khác với người Kinh có tục đi hái lộc cầu may, người Dao đỏ không ra khỏi nhà, mà cả gia đình quây quần bên nhau đón chờ giờ khắc giao thừa thiêng liêng, tất cả mọi người cùng chúc Tết và mừng tuổi nhau. Sáng mùng 1 Tết, mọi người đều dậy thật sớm, chuẩn bị 1 bữa cơm tươm tất để làm lễ cúng đầu năm mới. Người Dao đỏ đặc biệt coi trọng việc chọn giờ và hướng xuất hành đầu năm. Từ chiều 30 Tết, sau khi chọn được giờ tốt và hướng xuất hành hợp với họ nhà mình, người Dao đỏ chuẩn bị 1 bó hoa tươi, thường là hoa đào, hoa mơ hoặc hoa mận, đem đặt sẵn trên đường theo hướng sẽ xuất hành đầu năm. Sáng mùng 1 Tết, mỗi thành viên trong gia đình đều phải đem theo 1 tờ tiền hoặc vàng âm phủ để đốt ngay khi ra khỏi nhà, với tâm niệm đốt đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn. Trên đường về, người chủ nhà lấy bó hoa hôm trước, nhặt theo vài viên đá đem về, với quan niệm hòn đá tượng trưng cho của cải, tiền bạc, hoa tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở sẽ theo về trong năm mới. Ngày mùng 1 Tết, người Dao đỏ cũng đi thăm hỏi, chúc Tết mọi gia đình trong họ tộc và những nhà thân cận. Từ ngày mùng 2, mọi người được tự do đi chúc Tết bạn bè gần xa, đi chơi xuân, tham gia lễ hội. Đây cũng là dịp để những chàng trai, cô gái người Dao gặp gỡ, trò chuyện và ướm lời nhau qua những bài hát tỏ tình, giao duyên. Nhiều đôi đã thành vợ, thành chồng từ những buổi đi chơi xuân như thế.
Chia tay người Dao Suối Hang, lòng tôi xốn xang niềm vui trước những đổi thay nơi đây, và hiểu thêm về phong tục, tập quán đón Tết đặc trưng của người Dao đỏ, hy vọng một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc sẽ đến với tất cả chúng ta.