Y tế tuyến cơ sở: Khó khăn thu hút bệnh nhân

10:13, 05/04/2018

Khoảng 3 năm trở lại đây, mặc dù y tế tuyến cơ sở ở các xã, phường trên địa bàn T.P Sông Công đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhưng vẫn chưa thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh. Điều này không những gây lãng phí các trang thiết bị y tế đã được đầu tư mà còn dẫn đến tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Chúng tôi đến trạm y tế phường Bách Quang vào buổi sáng một ngày đầu tuần. Nhìn từ ngoài vào, trạm y tế mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Vào các phòng chức năng như phòng siêu âm, phòng đẻ, phòng xét nghiệm..., chúng tôi thấy các trang thiết bị y tế được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, khi ở trạm y tế hàng giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ thấy có hai lượt người vào khám. Chính vì lượng bệnh nhân đến khám tại trạm ít nên một số thiết bị y tế như: máy siêu âm (đen trắng), máy hút dịch... được đầu tư từ chục triệu đến vài trăm triệu đồng gần như chưa được sử dụng. Bà Dương Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bách Quang cho biết: Trạm hiện có 1 bác sĩ, 5 y tá và điều dưỡng thường xuyên làm việc và trực tại trạm, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân địa phương. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, lượng bệnh nhân đến khám tại trạm liên tục giảm (năm 2016 là trên 300 lượt người/tháng thì nay giảm xuống còn 150 lượt người/tháng) nên nhiều trang thiết bị y tế của trạm bị “bỏ không”.

Còn tại Trạm Y tế xã Vinh Sơn, tình trạng không có bác sĩ đã diễn ra hàng chục năm nay khiến người dân địa phương không mấy khi đến khám tại trạm. Ông Hà Duy Nghĩa, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Vinh Sơn thông tin: Năm 2016, khi xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, Trạm Y tế xã đã được Trung tâm Y tế thành phố trang bị máy siêu âm, tuy nhiên, để sử dụng thiết bị này phải cần đến trình độ chuyên môn là bác sĩ. Chính vì không có bác sĩ nên máy siêu âm của trạm lại chuyển về Trung tâm Y tế thành phố. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến xin thêm bác sĩ về trạm để phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại địa phương nhưng nhiều năm nay vẫn chưa tuyển được bác sĩ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quang Lưu, Giám đốc Trung tâm y tế T.P Sông Công cho biết: Hiện, 11/11 xã, phường của thành phố đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Những năm gần đây, thành phố đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, xây mới và mua sắm trang thiết bị y tế cho các trạm y tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 5/11 trạm y tế chưa có bác sĩ. Hàng năm, chúng tôi đều có nhu cầu tuyển bác sĩ, nhưng nhiều năm nay vẫn không tuyển được.

Trong khi các trạm y tế xã, phường của thành phố luôn trong tình trạng vắng vẻ, thưa thớt người dân đến khám bệnh, theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện C Thái Nguyên (phường Phố Cò, T.P Sông Công), lượng người đến khám bệnh khá đông. Ghế ngồi không đủ, nhiều bệnh nhân phải đứng để chờ đến lượt khám. Ông Nguyễn Văn Thiện, ở tổ dân phố Ngân, phường Lương Sơn chia sẻ: Khi có biểu hiện của bệnh gì, tôi thường lên thẳng Bệnh viện C để khám và điều trị chứ cũng không đi khám ở trạm y tế phường hay Trung tâm Y tế thành phố. Vì nếu có bệnh cần phải điều trị, tôi lại mất thời gian chuyển tuyến nên tôi lên thẳng tuyến trên. Còn bà Bùi Thị Hoa, ở xã Trung Thành, T.X Phổ Yên cho hay: Tôi thường lên thẳng Bệnh viện C để khám bệnh. Nếu có bệnh cần điều trị thì tôi nhập viện luôn. Mặc dù biết vượt tuyến, bảo hiểm được hưởng sẽ ít hơn (chỉ được hưởng 60%) nhưng tôi vẫn chấp nhận.

Theo thông tin từ Bệnh viện C Thái Nguyên, trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 500-700 lượt người đến khám (tăng khoảng 30% so với năm 2016). Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày một đông khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Thập, Phó Giám đốc Bệnh viện C cho biết: Bệnh viện hiện đang phải tiếp nhận lượng bệnh nhân thông tuyến lớn. Năm 2017, tỷ lệ bệnh nhân thông tuyến là 55.440 lượt người (tăng trên 5.000 lượt người so với năm 2016). Đối với những bệnh nhân bị bệnh nhẹ, sau khi chẩn đoán xong, chúng tôi viết giấy chuyển về tuyến dưới điều trị, tránh quá tải cho bệnh viện, đồng thời giảm chi phí cho người bệnh.

Thực tế cho thấy, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của y tế tuyến cơ sở đã được đầu tư khang trang, đầy đủ nhưng đội ngũ bác sĩ tại tuyến này còn thiếu khiến người dân “bỏ qua” y tế tuyến cơ sở để thông lên tuyến trên. Máy móc, trang thiết bị y tế được đầu tư nhưng lâu ngày không sử dụng, gây lãng phí... Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, ngành cần có biện pháp lâu dài để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại y tế tuyến cơ sở, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.