Cần quan tâm nhiều hơn đến vệ sinh học đường

15:30, 12/05/2018

Vệ sinh môi trường hiện nay đang là vấn đề rất bức thiết trong cuộc sống. Với môi trường học đường thì lâu nay sự "ô nhiễm" là một thực tế nhưng hình như mọi người lại có phần lãng quên. Và chính học sinh, sinh viên cũng thể hiện ý thức chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh nơi trường lớp.

Trong chương trình giáo dục từ bậc mẫu giáo, tiểu học cho tới đại học, các em học sinh, sinh viên luôn được giáo dục rất kỹ lưỡng về ý thức bảo vệ môi trường, sống xanh - sạch - đẹp ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng đáng buồn thay, đa số các trường học hiện nay vẫn tồn tại cảnh tượng học sinh, sinh viên không giữ gìn vệ sinh học đường. Nhiều em vứt giấy, rác, vỏ bao bì đựng quà vặt, bã kẹo cao su lung tung nơi sân trường, hành lang lớp học, ngăn bàn, dưới nền lớp học; viết bậy vẽ bậy lên tường, lên bàn học… Ở một số trường học, khu vệ sinh đã xuống cấp, lại thêm tình trạng phóng uế bừa bãi đã làm cho vấn đề vệ sinh học đường càng thêm nhức nhối.

Những việc làm thiếu ý thức này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan trường học, bầu không khí học tập và giảng dạy, sinh hoạt, vui chơi của thầy cô giáo và của chính các em. Nguyên nhân của việc các em thiếu ý thức trong giữ gìn môi trường vệ sinh học đường là do thói quen cẩu thả, qua loa, đại khái, lười biếng, lối sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến cá nhân, lo sạch cho bản thân mà không nghĩ đến tập thể; các em nghĩ rằng, những nơi công cộng như trường học, lớp học không phải nhà mình nên không cần phải giữ vệ sinh, đã có lao công dọn dẹp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải phát động phong trào làm nhà vệ sinh, sửa chữa nhà vệ sinh cho học sinh ở tất cả các cấp học. Thủ tướng yêu cầu huy động tất cả các nguồn lực kinh phí để chấm dứt tình trạng trường học không có nhà vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của học sinh. Đây là một việc làm có vẻ như rất đơn giản nhưng không hề đơn giản khi Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo trực tiếp.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 40% công trình vệ sinh ở trường mầm non chưa đạt chuẩn; ở bậc tiểu học tỷ lệ này cao hơn, ở mức 42,1%. Tại kỳ họp trước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế rà soát, kiểm tra, đề ra giải pháp để khắc phục tình trạng nhà vệ sinh không đảm bảo hoặc không có nhà vệ sinh tại các trường học, cơ sở y tế.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện cả nước có 97% trường mầm non và 95% trường THPT có công trình vệ sinh và nước sạch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường ở nhiều địa phương thiếu nhà vệ sinh và tỷ lệ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn ở mức khá cao. Bộ trưởng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, nhưng quan trọng là hầu như các công trình này đã làm từ cách đây quá lâu mà chưa được sửa chữa, dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Trước thực trạng này, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra ngay để có đánh giá thực trạng; ngay trong dịp hè này toàn ngành Giáo dục và các địa phương phát động phong trào làm nhà vệ sinh, sửa chữa nhà vệ sinh trong tất cả các trường học. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế phát động chiến dịch làm nhà vệ sinh, sửa chữa nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng tại tất cả các cơ sở y tế, bệnh viện.

Giữ gìn vệ sinh là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội, không thể đổ cho ai hay tại ai được. Nếu mỗi chúng ta có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống sẽ giúp cho phong cách ứng xử của con người trở nên tích cực, xã hội trở nên văn minh, tiến bộ hơn. Có thể nói, vấn đề vệ sinh môi trường học đường đã, đang ngày một "ô nhiễm", đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội. Với chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và sự nỗ lực vào cuộc của các địa phương, các ngành, các cấp, các bậc phụ huynh cùng các lực lượng xã hội, thầy và trò trong các nhà trường mong muốn ngay sau dịp nghỉ hè này sẽ có những thay đổi, vấn đề ô nhiễm môi trường học đường sẽ dần khắc phục, góp phần bảo vệ sức khỏe học đường cho cả thầy và trò. Song, điều quan trọng hơn, các bạn học sinh, sinh viên hãy có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan trường, lớp của mình. Mỗi người hãy tự giác giữ gìn vệ sinh chung nơi học đường, góp sức làm cho môi trường học tập của chúng ta sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Đó là hành động thiết thực nhất để cùng nhau góp sực để tạo dựng nên xã hội văn minh, tiến bộ.