Tiền đề cho phát triển bền vững

07:23, 11/07/2018

Theo thống kê hết năm 2017, dân số nước ta vào khoảng 93,7 triệu người. Kết quả này là thành công của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) bởi nếu không thực hiện KHHGĐ, dân số nước ta dự báo sẽ là trên 113 triệu người. Việc tránh sinh hàng chục triệu người góp phần tiến tới ổn định về quy mô dân số và là tiền đề cho đất nước phát triển bền vững.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, cả nước đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số đồng thời sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 3,74 con năm 1992 xuống còn 2,09 con năm 2006, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII đề ra và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Vì có mức sinh giảm nên quy mô dân số nước ta tăng chậm, số dân tăng bình quân 1,2 triệu nười mỗi năm trong giai đoạn 1989-1999 giảm xuống còn 0,94 triệu người mỗi năm giai đoạn 1999 đến nay. Thống kê cuối năm 2017, dân số nước ta vào khoảng 93,7 triệu người. Việc tránh sinh hàng chục triệu người theo dự báo là tiền đề tiến tới ổn định về quy mô dân số vào giữa thế kỷ 21. Không những vậy, kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2% mỗi năm, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của đất nước.

Ngày Dân số thế giới là một sự kiện do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phát động và diễn ra vào ngày 11-7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Năm nay, hưởng ứng Ngày dân số thế giới, Tổng cục DS-KHHGĐ truyền tải thông điệp: “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho sự phát triển bền vững”. Qua đó, kêu gọi các cấp ngành, địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện tốt KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển đất nước; duy trì vững chắc mức sinh thay thế và đồng đều giữa các địa phương và khoảng cách sinh con hợp lý giữa các lần sinh để bảo đảm sức khỏe và nuôi dạy con tốt.

Thành công trong công tác DS-KHHGĐ cũng đã góp phần đưa nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Đây là nền tảng cơ hội vàng cho nước ta có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai, đó là quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số... So với trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì chính sách dân số đổi mới với nhiều nội dung và phạm vi rộng lớn hơn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Trước đây, do tốc độ tăng dân số quá nhanh, công tác dân số tập trung vào nội dung chính là KHHGĐ - vận động người dân sinh từ một đến hai con nhằm kiểm soát quy mô dân số. Hiện nay, nước ta đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác dân số không chỉ tập trung về nội dung KHHGĐ mà cần giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, phân bổ dân số, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng việc chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển không có nghĩa là xem nhẹ công tác KHHGĐ mà đây vẫn là nội dung quan trọng.

KHHGĐ trong giai đoạn nâng cao chất lượng DS có nghĩa là hướng đến cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao, an toàn, hiệu quả, đảm bảo bền vững và mở rộng tới không chỉ phụ nữ mà cả nam giới, nhất là áp dụng với vị thành niên, thanh niên để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả KHHGĐ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi điều kiện tiếp cận với dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức, đảm bảo cho người dân hiểu và thực hiện đúng về KHHGĐ; việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ kịp thời, thuận tiện và chất lượng cũng là vấn đề cần quan tâm và cần thiết để nâng cao chất lượng sống.

Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, Thái Nguyên thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, toàn tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đổi mới nội dung tuyên truyền vận động phấn đấu đạt và duy trì mức sinh thay thế từ 2025; thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ… phấn đấu phát huy những thành quả của công tác KHHGĐ trong thời gian qua để làm tiền đề cho sự phát triển bền vững trên địa bàn.