Khi nói chuyện về cách mạng công nghiệp 4.0; kinh tế 4.0…, tôi chợt giật mình vì nghĩ đến những người yếu thế trong xã hội - họ là hộ nghèo vì "4 thiếu": thiếu đất sản xuất, thiếu tiền vốn đầu tư, thiếu sức lao động và thiếu kinh nghiệm làm ăn. Và mỗi ngày, còn đó nhiều người dân mơ ước mình có một mái nhà nhỏ, để khi mưa không phải trắng đêm dùng xô, chậu hứng nước.
Bà Đặng Thị Chúc, xóm Nam Cơ, xã Kim Phượng (Định Hoá) kéo tôi ra góc vườn, chỉ vào ngôi nhà xập xệ bảo: Nhà tôi đó, không ở được nữa rồi… Trong lúc tôi chưa kịp phản ứng, bà lại kéo tôi ra một góc vườn đầy gạch, cát ngổn ngang tiếp: Biết tôi quanh năm bệnh tật, con trai con nhỏ, nhà sập đổ, nên các bác cựu chiến binh (CCB) đã đến hỗ trợ cho 40 triệu đồng để mẹ con tôi làm lại nhà ở.
Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2018 Hội tham gia hỗ trợ làm mới 30 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó huyện Định Hoá 15 nhà. Trường hợp nhà bà Chúc là do Hội CCB Khối Doanh nghiệp tỉnh quyên góp, ủng hộ. Còn ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Kim Phượng cho biết: Được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, trong 6 tháng đầu năm 2018, xã có 14 công trình nhà đại đoàn kết được khởi công xây dựng, riêng Hội CCB tham gia ủng hộ 5 nhà.
Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn ngôi nhà 3 cứng “cứng nền, cứng tường, cứng mái” được xây nên tặng cho người yếu thế trong xã hội. Cũng từ nhiều năm nay, những ước mơ rất đỗi bình dị đã và đang tiếp tục được thắp sáng ở những nơi xa xôi, khó khăn như: Bản Tèn (Văn Lăng, Đồng Hỷ); Lũng Cà (Thượng Nung, Võ Nhai); Khau Lầu (Định Biên, Định Hoá). Ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Để rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa vùng sâu, vùng xa với thị trấn, thị tứ, từ năm 2015, UBND tỉnh đã huy động cán bộ, nhân dân, doanh nhân, nhà hảo tâm trong tỉnh tham gia đóng góp, ủng hộ tiền để “xẻ núi” làm đường bê tông đến tận trung tâm các xóm có nhiều đồng bào Mông sinh sống. Giao thông thuận lợi, đời sống của người dân cũng nhanh chóng đổi thay, tỷ lệ người yếu thế trong xã hội cũng giảm dần.
Cả Thái Nguyên đồng lòng, chung sức giúp đỡ, hỗ trợ người yếu thế vươn lên, không phải bằng cách “cho con cá”, mà đặt vào tay họ “chiếc cần câu”; hướng dẫn cho họ kỹ năng câu được nhiều cá để họ có cuộc sống ổn định. Ví như hộ ông Ninh Văn Huấn, xóm Mặt Giăng, xã Phúc Lương (Đại Từ). Năm 2016, ông nhận được 800.000 đồng tiền hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Ông dùng số tiền này mua được chiếc bình phun thuốc trừ sâu chạy điện. Ngoài sử dụng phục vụ sản xuất của gia đình, ông còn làm giúp bà con trong vùng, nhờ đó ông có thêm một nguồn thu nhập mới.
Để tiền hỗ trợ từ các chương trình, dự án dành cho người yếu thế phát huy hiệu quả, các địa phương chủ động lập danh sách, từng hộ nghèo tham gia chương trình, dự án chủ động đăng ký nhu cầu hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, vật nuôi hoặc mua nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, đúng nhu cầu, nhiều người yếm thế có giống cây trồng, phân bón sản xuất dúng thời vụ. Nhiều người mua máy nông cụ có thêm nghề mới, như: thu hái chè, đốn chè, gặt lúa, tuốt lúa, xay xát.
Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Các cấp, ngành liên quan đến chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo luôn đôn đốc, hướng dẫn người yếu thế sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Do vậy, nhiều người yếu thế đã có lực vươn lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện từ 14.381 hộ/cuối năm 2016 xuống còn 8.859 hộ/cuối năm 2017. Liên quan tới các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người yếm thế, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Chương trình, mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã từng bước giúp người dân thay đổi được nhận thức về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế. Cũng nhờ được hỗ trợ kịp thời, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số mô hình làm kinh tế mới, dự báo mang lại hiệu quả cao, như các mô hình trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê, trồng cây ăn quả và trồng rừng.
Trở lại với việc trao cho người yếm thế một mái nhà, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Từ nhiều năm gần đây, việc nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế vươn lên đã trở thành một phong trào lớn. Phong trào huy động được toàn xã hội tham gia. Riêng năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.400 hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà, sửa nhà; hàng vạn lượt hộ nghèo khác được hỗ trợ thông qua các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí, trợ cấp đột xuất trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
Một ngôi nhà chắc chắn, một khoản tiền hỗ trợ dù chưa nhiều nhưng đủ làm vơi “cơn khát” trên hành trình tìm no ấm của người yếm thế. Và thực tế trên vùng đất Thái Nguyên, sự quan tâm, vào cuộc của mọi người trong cộng đồng xã hội, giống như ngọn lửa sưởi ấm lòng người yếu thế. Giúp họ có thêm nghị lực, dần tạo dựng cho mình một cuộc sống no đủ.