Khẳng định thương hiệu vàng

10:15, 02/08/2018

Diện tích na trên địa bàn tỉnh hiện có gần 3.000 ha, hầu hết được trồng tại huyện Chi Lăng (gần 1.600 ha) và huyện Hữu Lũng (hơn 1.300 ha). Thời gian qua, các cấp, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm này.

Tăng chất và lượng

Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, nhân dân trên địa bàn huyện trồng mới khoảng 100 ha na, hiện nay, diện tích na toàn huyện khoảng 1.600 ha. Không chỉ tăng về diện tích, nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng, huyện Chi Lăng vận động, hướng dẫn người dân trồng na theo mô hình VietGAP, na an toàn. Vụ na năm 2018, diện tích na VietGAP của huyện tăng lên 136,5 ha (năm 2017 là hơn 50 ha); có 3.500 hộ đăng ký trồng na theo mô hình na an toàn, với diện tích hơn 1.200 ha.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Từ tháng 4/2018, phòng đã giám sát việc trồng na của bà con, vận động các hộ dân trồng na đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy Pheromone – một sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường sinh thái để phòng trừ ruồi đục quả. Với cách trồng,  chăm sóc như hiện nay, trung bình  1 ha (người dân trồng khoảng 460 gốc), sản lượng sẽ đạt từ 8 đến 10 tấn (tăng gần 2 tấn/ha so với năm trước). Với giá thị trường hiện nay ở mức trung bình 30 nghìn đồng/kg thì với 1 ha na, người dân thu nhập khoảng 240 – 250 triệu đồng.

Nhằm tăng hiệu quả kinh tế từ trồng na, huyện Hữu Lũng cũng đã và đang thực hiện theo hướng sản xuất na an toàn. Vụ na năm nay, huyện vận động, hướng dẫn người trồng na thực hiện đúng các quy trình chăm sóc cây theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm na sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Vụ na năm nay, huyện Hữu Lũng triển khai 3 mô hình mẫu trồng na VietGAP với diện tích 25 ha. Ngoài ra, huyện còn vận động, hướng dẫn người dân triển khai sản xuất 900 ha na an toàn tại các xã: Cai Kinh, Yên Sơn, Yên Vượng, Hòa Lạc…

Dán tem truy xuất nguồn gốc

Thời điểm này, người trồng na tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng bắt đầu thu hoạch và bán sản phẩm ra thị trường. Giá na đầu vụ hiện khoảng 40 – 45 nghìn đồng/kg (giá bán lẻ), còn giá thu mua buôn là 30 nghìn đồng/kg.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho na, thời gian qua, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh quảng bá, cũng như xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Ngày 18/8/2018 sẽ diễn ra lễ khai mạc ngày hội Na Chi Lăng năm 2018 tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Tại ngày hội, sẽ có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Ngay sau đó, từ ngày 22 đến ngày 28/8, tại Hà Nội, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức tuần lễ triển lãm đặc sản Chi Lăng, trong đó trọng tâm là sản phẩm na.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, năm nay, để tránh tình trạng nhái thương hiệu na Chi Lăng để trục lợi, với sự hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, hai huyện: Chi Lăng và Hữu Lũng sẽ tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na để giúp người tiêu dùng phân biệt na Chi Lăng.

Cùng đó, việc dám tem truy xuất nguồn gốc còn để hướng đến việc xuất khẩu na sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Bên cạnh đó, để tiếp tục khẳng định vị thế là loại hoa quả đặc sản của Việt Nam, khẳng định thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam (được Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam cấp chứng nhận năm 2017), trong vụ na 2018, huyện Chi Lăng và Hữu Lũng sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp, thực hiện xuất khẩu na Chi Lăng sang thị trường Australia.