Nhiều hộ dân xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) sinh sống ngay sát khu vực bãi thải phía Nam của Công ty Than Khánh Hòa (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin) hiện rất bất an về tình trạng nguy cơ sạt lở đất đá từ bãi thải xuống có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt hiện đang trong mùa mưa lũ.
Theo đơn phản ánh của người dân, chúng tôi đến các xóm 4,5,12,13 của xã Phúc Hà, nằm ngay dưới chân bãi thải Nam của Công ty Than Khánh Hòa để tìm hiểu. Từ trên cao nhìn xuống, bãi đổ thải hàng trăm mét dường như đang “uy hiếp” cuộc sống người dân. Nhiều đoạn đường vào các xóm đất, đá từ bãi thải trôi xuống tận mép đường. Điều đáng nói, nhiều năm nay người dân xung quanh bãi đổ thải ngoài phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường thì nay nhà cửa lại xuất hiện hiện tượng bị sụt lún, nứt tường. Anh Nguyễn Đình Chiểu, xóm 12 bức xúc: Gia đình tôi sinh sống nhiều năm tại đây, nhà nằm cách bãi thải 30m và cách bờ moong khai thác than của Công ty Than Khánh Hòa khoảng 45m. Trước cửa nhà là đường dân sinh, hàng ngày Công ty khai thác than, các loại xe, máy móc chạy rầm rập nên bãi thải trước cửa nhà, moong ngày càng sâu, nổ mìn 2 đến 3 lần/ngày làm nứt nhà và các công trình khác của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Hậu, xóm 12 cho biết thêm: Đầu năm 2016 chúng tôi thấy xuất hiện vết nứt rộng khoảng 15cm chạy xuyên qua đường bê tông dân sinh. Ngày 31-7-2017 con đường đê chân bãi thải bị sạt lở khoảng 100m2, đất đá lấp xuống đường làm ách tắc giao thông.Từ thực tế này chúng tôi rất lo ngại về việc mất an toàn khi sinh sống tại đây.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, bãi đổ thải trên chỉ quy định được phép đổ thải ở độ cao 190m, nhưng hiện nay có nơi cao gần 300m. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, quy định khoảng cách từ nhà dân đến chân bãi thải là 200m, tuy nhiên ở đây còn rất nhiều nhà khoảng cách chỉ khoảng 40m. Ngôi nhà và khu vườn của ông Hoàng Vĩnh Long , xóm 13 nằm cách khu vực bãi thải chỉ vào khoảng 40mt. Ông Long chia sẻ: “Chúng tôi sống ở đây chịu biết bao nỗi khổ. Chuyện ô nhiễm môi trường gần như là thường nhật, nhưng chúng tôi lo lắng nhất vẫn là nguy cơ sạt lở bãi đổ thải, ban ngày còn biết mà chạy nếu nửa đêm sạt lở đất đá thì chúng tôi không biết trở tay thế nào”. Ông Long cho biết thêm: Khu vực nơi ông sống cũng là khu vực trũng nhất. Trước kia con suối chảy qua đây xuôi xuống cầu Tân Long và chảy về sông Cầu thì nay Công ty Than Khánh Hòa nắn dòng cho chảy ngược lên xã An Khánh, huyện Đại Từ. Bởi vậy, nước không kịp thoát mỗi khi trời mưa to, hiện chỉ cần một trận mưa kéo dài khoảng 3-4 tiếng đồng hồ nhiều hộ dân nằm cạnh con suối bị cô lập hoàn toàn, vì đường bị ngập không ra vào được. Cánh đồng Quan của xã Phúc Hà cách đây không xa hầu như cũng đều bị ngập mỗi khi trời mưa to, nên năng suất cây trồng hàng năm rất bấp bênh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường và mất an toàn tại khu vực xung quanh bãi thải Nam của Công ty Than Khánh Hòa đã làm cho người dân sống xung quanh rất bức xúc, các hộ dân nơi đây đã làm đơn kêu cứu gửi các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Tuy nhiên cho đến nay, Công ty Than Khánh Hòa vẫn chưa có giải pháp khắc phục mà vẫn đổ thải trong khi bãi đổ thải đã cao vượt mức cho phép càng làm cho người dân nơi đây lo sợ.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Lê Ngọc Hưng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Phúc Hà, là người trực tiếp được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão tại địa phương cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm hộ dân sống gần chân bãi đổ thải của Công ty Than Khánh Hòa, có những hộ dân chỉ cách chân bãi thải chỉ khoảng 40-60m, bởi vậy rất nguy hiểm. Mặc dù chúng tôi đã đưa ra các phương án phòng chống thiên tai hàng năm rất cụ thể như: cắm biển báo, bố trí lực lượng canh gác những khu vực xuất hiện sạt lở và thông báo cho người dân biết để đề phòng nhưng vẫn cảm thấy không yên tâm.
Từ thực tế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại khu vực bãi đổ thải đe dọa đến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh, thiết nghĩ các ngành chức năng cần khảo sát kỹ tình hình địa chất tại khu vực này và thông báo kết quả cụ thể cho người dân được biết; cần đưa ra quy định về khoảng cách an toàn được phép sinh sống dưới chân bãi thải, nếu nguy hiểm phải có phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. Bởi lẽ, trên địa bàn tỉnh đã từng có bài học xương máu về vụ sạt lở bãi thải Mỏ than Phấn Mễ, đừng để mất bò mới lo làm chuồng.