Giữ gìn giá trị truyền thống của ngày Tết Trung thu

11:58, 20/09/2018

Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng để phát triển nên có điều kiện giao lưu với nhiều nền văn hoá khác nhau. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới các hoạt động và không khí trong những ngày lễ, Tết nói chung, Tết Trung thu nói riêng. Tuy nhiên, nhờ ý thức của phần lớn người dân mà những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc cơ bản vẫn được giữ gìn và phát huy.

Tết Trung thu là một phong tục, có nguồn gốc từ rất lâu đời, mang biểu tượng của sự sum họp, đoàn viên. Theo phong tục của người Việt, vào ngày 15-8 Âm lịch hàng năm, mọi người đều làm cỗ cúng gia tiên, cùng nhau “phá cỗ”, rước đèn, đi xem múa lân…

Nhiều năm về trước, gần đến ngày này, tại nhiều gia đình, cha mẹ thường tự vót tre, mua giấy màu để làm đèn ông sao cho trẻ chơi trong đêm Rằm tháng Tám. Những năm trở lại đây, khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, bên cạnh những mẫu đồ chơi thủ công, trên thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều đồ chơi mới lạ với màu sắc, hình thù khác nhau, phát ra âm thanh vui tai như: lồng đèn pin có hình thù những nhân vật hoạt hình, gậy Tôn Ngộ Không, mặt nạ, cánh tiên, vương miện…,  đánh trúng tâm lý yêu thích của đông đảo trẻ nhỏ. Theo đó, thay vì tự làm những món đồ chơi, một số phụ huynh lại đến cửa hàng mua cho tiện lại hợp ý thích của trẻ.

Sự đổi thay của Tết Trung thu thời nay còn được thể hiện trong việc tổ chức ngày hội trăng Rằm. Trước đây, các hoạt động Trung thu chủ yếu chỉ tập trung ở tổ dân phố hoặc trường học thì nay nó được diễn ra ở nhiều nơi hơn, mang tính tập trung với quy mô lớn hơn. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng tổ chức vui Tết Trung thu cho con em cán bộ, công nhân viên chức.

Chị Nguyễn Bích Hồng, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, vào tối ngày 15-8 Âm lịch, tôi thường chuẩn bị những món ăn truyền thống, như: bánh nướng, bánh dẻo, quả bưởi, quả hồng, nải chuối… để thắp hương gia tiên. Sau đó, cả gia đình quây quần bên nhau “phá cỗ” rồi mới tham gia vào đoàn rước đèn của tổ dân phố hoặc lên Quảng trường Võ Nguyên Giáp xem thi đèn”.

Không chỉ ở Thành phố, tại các huyện, thị xã cũng duy trì được những hoạt động tập thể vào ngày Rằm tháng Tám. Nhiều huyện, xã tổ chức thi trại, thi đèn, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các xóm, làng, thu hút đông đảo người dân sinh sống trên địa bàn tới vui chơi, giao lưu.

Khảo sát thị trường đồ chơi Trung Thu năm nay, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc thì nhiều cửa hàng vẫn bán đồ chơi được sản xuất trong nước, như: đầu lân, trống cơm, đèn ông sao, đèn kéo quân, lồng đèn làm bằng giấy bóng kính...

Anh Phạm Văn Hợp, chủ cửa hàng Hoa nghệ thuật, số 125, đường Hoàng Văn Thụ, cho hay: Những mặt hàng sản xuất thủ công ở trong nước có nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, giá thành thấp nên đang dần được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Trong những năm tới, tôi sẽ tăng cường nhập những mặt hàng này để đưa tới cho các bé thiếu nhi một mùa Trung thu an toàn, mang màu sắc cổ truyền.

Cô giáo Nông Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Vinh, T.P Thái Nguyên cho biết: Để các em thiếu nhi cảm nhận được nét đẹp trong truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức Ngày hội Trung thu cho các bé. Bên cạnh hoạt động bày mâm ngũ quả, múa lân, rước đèn, phá cỗ, năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức thi làm bánh Trung thu, thi dán và trang trí đèn ông sao; tô màu và trang trí mặt nạ… Ngoài ra, chúng tôi còn dàn dựng các tiết mục hát múa, đóng kịch kể về ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu, sự tích chú Cuội, chị Hằng. Qua đó, tạo dấu ấn trong tiềm thức của mỗi bé về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ngày Tết này.

Để bản sắc văn hoá trong Tết Trung thu nói riêng, các ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc nói chung luôn giữ được ý nghĩa nhân văn và lưu truyền cho nhiều thế hệ mai sau, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá bằng những hành động cụ thể.