Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng, các siêu thị, nhà hàng, cơ sở sản xuất… phải tuyển dụng thêm nhân viên thời vụ, hoặc thuê người làm việc trả lương theo giờ, theo ngày. “Tháng củ mật”, nhiều cơ sở thông báo tuyển nhân viên với các chiêu hấp dẫn, như: Lương cao gấp đôi ngày thường, tiền công trả theo ngày, theo giờ...
Không ít SV lựa chọn việc đi làm thêm vừa được trải nghiệm cuộc sống, lại có thêm thu nhập. Công việc được SV lựa chọn chủ yếu là chạy bàn tại các nhà hàng, quán ăn, phát tờ rơi, gia sư, trông trẻ, phụ việc ở gara ô tô… 3 năm gần đây, nhiều SV tham gia làm “người vận chuyển” - bán hàng onlie. Như các bạn SV Trường Đại học Kinh tế - Quản trị Kinh doanh tôi gặp là Nguyễn Thị Hoa, SV năm 3, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh; Hoàng Thị Điệp, SV năm 2, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng và Trần Văn Hà, SV năm 4, chuyên ngành Markettinh. Cả 3 cùng làm “người vận chuyển” - bán hàng onlie. Họ rất thích thú vì được đi lại nhiều, và công việc phù hợp với ngành học.
Điệp và Hoa chia sẻ: Từ 1 tuần nay, ngày nào em cũng chuyển được từ 2,5 đến 3 tạ cam, bưởi cho khách hàng. Còn Hà cho biết: Em chạy ga giúp cửa hàng của ông chú ruột. Công việc chủ yếu vào giờ cao điểm của buổi trưa và buổi chiều tối. Nhiều hôm vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn lại “nhận lệnh” đi chuyển hàng. Tiền công, chú ưu ái trả 120.000 đồng/ngày. Bận rộn, vất vả, nhưng em thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì có rất nhiều gia đình đang chờ đợi em mang ga đến để nấu ăn.
Mỗi bạn trẻ đi làm thêm trong “Tháng củ mật” đều có lý do riêng. SV Hoàng Thị Nguyên, năm 3, Khoa Giáo dục Mầm non (Đại học Sư phạm) cho biết: Vì nhà nghèo nên em thường xuyên phải đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ nuôi em. Em chọn làm chạy bàn ở quán cà phê. Em đã nhận lời với chủ quán sẽ làm việc đến chiều 30 Tết, vì ngoài tiền công, ông chủ còn hứa mừng tuổi thêm 500.000 đồng…
Cùng làm việc ở quán cà phê này, Hồ Thị Hằng Nga, SV năm 3, Khoa Sư phạm Toán học (Đại học Sư phạm) cho biết: Em đăng ký làm việc theo giờ vào buổi tối, từ 19 giờ đến 22 giờ. Được trả tiền công 25.000 đồng/giờ, cao hơn 11.000 đồng/giờ so với ngày thường trong năm. Có mặt ở đó, Hoàng Văn Tiến, SV năm 4, Khoa Ngoại ngữ (Đại học Sư phạm) chia sẻ: Vào dịp gần Tết, có nhiều người nước ngoài đến Thái Nguyên du lịch, em tranh thủ trò chuyện bằng tiếng Anh, qua đó học thêm được cách phát âm, cách sử dụng câu đúng ngữ pháp. Thấy em giao tiếp được với người nước ngoài, chủ quán thưởng nóng cho em 100.000 đồng.
Đi làm thêm cũng là một cách học, và để tự hoàn thiện mình. Một giảng viên Khoa Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) đã nói với chúng tôi như thế. Nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán, các gia đình tham gia thương trường đều bận rộn với công việc kinh doanh, họ cần người giúp việc. Đó cũng là cơ hộ tốt cho các bạn SV kiếm thêm việc làm. Tôi biết các bạn sinh viên của Khoa chủ yếu làm gia sư, dạy tiếng nước ngoài cho bọn trẻ với mức tiền công từ 30.000 đến 40.000 đồng/giờ. Nhiều chủ nhà không giấu diếm: Công việc cuối năm bận “ngập đầu”, thuê các bạn SV về dạy học cho con, đồng thời là bảo mẫu trông trẻ cực kỳ an toàn, mà tiền công lại phù hợp.
Để việc làm thêm thuận lợi, các bạn SV thường lựa chọn các điểm làm việc ở gần trường, hoặc gần khu nhà trọ mình ở. Như vậy sẽ không mất tiền đi xe ôm, xe taxi và không lo sợ bị “người ta” bắt nạt, hoặc bị quỵt tiền công. Đặng Thị Nhàn, SV năm 3, chuyên ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc (Khoa Ngoại ngữ) bộc bạch: Biết là mấy ngày trước tết, việc dạy thêm cho một đứa trẻ tiếng nước ngoài cũng chỉ… vui là chính. Vì các cháu chỉ líu lo được mấy từ xin chào và tạm biệt. Nhưng bố mẹ các cháu được dảnh dang làm ăn, và đi chùa, đền trả lễ cuối năm. Với các gia đình này thì cơ bản là ngồi chơi với trẻ. Trẻ học được chữ nào thì học.
Còn Lê Văn Xuân, SN năm 4, Khoa Cơ khí (Đại học Kỹ thuật Công nghiệp) cho biết: Vửa trả xong học phần là em đến gara ô tô làm thợ phụ. Công việc toàn cờ lê, mỏ lết, dầu, mỡ… bù lại em được trả tiền công 30.000 đồng/giờ. Em làm việc 4 tiếng vào ngày thường, 9 tiếng vào ngày nghỉ cuối tuần. Em cố gắng làm việc để sau tết không phải xin bố mẹ tiền nộp học phí. Nhiều hôm hết giờ làm, trở về nhà trọ, mệt lả, cơm chẳng muốn ăn, bài vở cũng không muốn động tới. Bạn gái khuyên em không nên làm cố vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, học tập. Nhưng em vẫn phải cố gắng. Vì em tự hào là mình đã làm ra được những đồng tiền chân chính.
Hầu hết các bạn SV đều lựa chọn công việc làm thêm phù hợp với ngành mình học. Đó là cách suy nghĩ và hành động rất thực tế, đáng được trân trọng. Như ở vùng nông thôn, những SV chúng tôi gặp chủ yếu đang theo học tại Trường Đại học Nông lâm, như: Lò Văn Khương, SV năm 3, Khoa Chăn nuôi Thú Y. Khương nhận làm thêm tại một trang trại chăn nuôi gia cầm ở T.P Thái Nguyên. Còn Tô Văn Quyết, SV năm 4, Khoa Lâm nghiệp làm thêm ở một cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp tại huyện Đồng Hỷ. Các bạn đều yêu ngành nghề mình học, nên muốn được dấn thân, được trải nghiệm để sau này tốt nghiệp ra trường không phải bỡ ngỡ do thiếu thực tế. Khương chia sẻ: Nhà em trên tỉnh Cao Bằng, bố mẹ biết em đi làm thuê, ban đầu “các cụ” không vui, bảo về. Nhưng em giải thích là cần được thực tế để sau này về quê… không nói lý thuyết suông. Nghe ra, bố mẹ em cũng vui, chỉ dặn: Con nhớ về nhà trước giao thừa là được. Còn Quyết bảo: Nhà em ở T.P Thái Nguyên. Vì điều kiện bố mất sớm, nhà nghèo, em vừa học, vừa đi làm thêm kiếm sống. Dịp giáp Tết Nguyên đán cơ sở sản xuất thiếu người làm, nên công lao động được trả cao hơn. Em tranh thủ làm thêm để có tiền mua tặng cho mẹ tấm áo ấm.
Tôi lặng đi vì cảm động... Tết đã rất gần, nhưng còn nhiều bạn SV chưa về bên mẹ. Họ đang tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để đi làm thêm, với ước mơ mua tặng mẹ tấm áo ấm ngày Xuân.