Sẻ chia với người khuyết tật

10:45, 18/04/2019

Thái Nguyên hiện nay có khoảng 25 nghìn người khuyết tật, với mục đích giúp người khuyết tật từng bước nâng cao cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, những năm qua Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho nhóm đối tượng yếu thế này.

Ông Lê Đình Cường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh cho biết: Chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện để cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật, thời gian qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật như: Tổ chức cuộc thi “Tiếng hát người khuyết tật”; tọa đàm “Tỏa sáng nghị lực Việt” để người khuyết tật cùng trao đổi, chia sẻ với người cùng cảnh ngộ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà và phương tiện đi lại, hỗ trợ sinh kế, trao học bổng cho trẻ em khuyết tật… Trong 5 năm trở lại đây, Hội đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được trên 1.500 chiếc xe lăn, xe đạp tặng người khuyết tật; khám và phẫu thuật chỉnh hình cho hơn 4.000 người khuyết tật về nhìn và chức năng vận động; tặng hàng nghìn suất quà bằng tiền và hiện vật cho người khuyết tật vào dịp lễ, Tết…

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Dự án “Thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật Việt Nam” do tổ chức IDEA làm chủ dự án với sự tài trợ từ Đại sứ Phần Lan tại xã Phúc Trìu, Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), đã có 80 gia đình có người khuyết tật được hỗ trợ lợn giống, gà giống phát triển kinh tế; 40 xe lăn được trao cho người khuyết tật hệ vận động và 50 dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật nhẹ… Từ đó giúp người khuyết tật vơi đi những mất mát, bất hạnh, vượt qua bệnh tật, xóa bỏ mặc cảm, tự ti vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh sự hỗ trợ của toàn xã hội, người khuyết tật ngày càng tự tin, có ý chí vươn lên học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm tự lập trong cuộc sống.  Điển hình như anh Phạm Tuấn Anh, 24 tuổi (T.P Thái Nguyên), bị câm điếc bẩm sinh nhưng anh đã nỗ lực học tập, tự nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề vẽ tranh 3D. Những tác phẩm của anh ngày càng được nhiều người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên đón nhận. Anh đã trở thành niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô và là tấm gương điển hình về sự nỗ lực vượt lên chính mình. Hay như em Trần Thị Hoa, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học số 2, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), khuyết tật ở cả tay và chân ngay từ khi mới sinh ra, khiến em gặp khó khăn trong việc đi lại cũng như sinh hoạt cá nhân. Trong khi đó, bố Hoa bị tai nạn mất sớm, một mình mẹ nuôi hai anh em, song em vẫn nỗ lực tới lớp, nắn nót viết chữ bằng đôi tay yếu ớt của mình. Nhờ vậy, năm 2018, em đã vinh dự được nhận Bằng khen và quà tặng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hoa là một trong những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên để các bạn học sinh khác noi theo.

Có thể nói, dù cuộc sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều hạn chế, nhất là người khuyết tật ở vùng nông thôn. Mấu chốt giúp người khuyết tật có thể hòa nhập là tạo việc làm cho họ, nhưng hiện nay, không ít doanh nghiệp không chịu nhận người khuyết tật vào làm việc dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở người khuyết tật còn cao. Nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động, bằng nghị lực đã vươn lên, mong muốn tìm được công việc phù hợp để không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội nhưng cũng khó tìm được việc làm ổn định. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của địa phương, nhất là giao thông, y tế còn chưa phù hợp, khiến việc tiếp cận các dịch vụ này của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn…

Người khuyết tật là người yếu thế, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp từ người thân, gia đình và xã hội, cần những tấm lòng sẻ chia của cộng đồng từ vật chất đến  tinh thần. Hơn hết là sự tạo điều kiện của xã hội giúp họ có được việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân, gia đình.