Theo nghiên cứu của các chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV) và môi trường cho thấy những năm nay gần đây, Thái Nguyên là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH). Mặc dù BĐKH chưa gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại các địa phương trong tỉnh nhưng những hiện tượng như: Hạn hán, rét hại, tố lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, ngập úng, sạt lở cục bộ… gia tăng về tần suất, mức độ khiến cho công tác phòng ngừa rất khó khăn, nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản.
Xuất hiện mưa rào cục bộ gây úng ngập trong mùa đông; lốc xoáy, mưa đá trong mùa xuân; nắng nóng kéo dài và rét đậm, rét hại tới hàng tháng… là những hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh thời gian qua. Hiện tượng thiên nhiên này khiến con người lúng túng khi ứng phó và để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại một số huyện miền núi của tỉnh (Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ…) chịu sự ảnh hưởng của BĐKH dẫn đến những hiện tượng thời tiết bất thường, như: Hạn hán, rét hại, tố lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, ngập úng, sạt lở… xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, với diễn biến phức tạp hơn. Các hiện tượng thời tiết xấu đã gây thiệt hại về người và tài sản ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Nhiệt độ và lượng mưa là những yếu tố thể hiện rõ nhất về BĐKH tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua. Theo tính toán của các cán bộ, nhân viên Đài KTTV tỉnh (thuộc Tổng cục KTTV), nhiệt độ trung bình năm tại 9 huyện, thành, thị trong tỉnh tăng dần (từ năm 1959 đến nay đã tăng khoảng 2 độ C và tăng nhanh hơn từ năm 1996 đến nay). Đối với lượng mưa tại các địa phương trong tỉnh có sự biến động khá lớn (từ 1.250mm/năm đến 3.000mm/năm) nhưng giảm nhanh từ năm 1998 đến nay. Riêng trong 9 tháng cuối năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, lượng mưa bình quân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 66% so với lượng mưa trung bình những năm trước. Lượng mưa giảm nhưng diễn biến rất bất thường khi xuất hiện mưa lớn trái mùa. Cụ thể, từ ngày 10 đến 12/01/2017 do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió, lượng mưa đo được tại các khu vực trong tỉnh từ 69mm đến 223mm. Cá biệt, đợt mưa lớn từ ngày 17 đến 19/9/2014 tại Đu, Giang Tiên (Phú Lương) đã vượt 300mm.
Rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây cũng là hiện tượng thời tiết đáng lo ngại vì nó kéo dài với cường độ mạnh. Điển hình là đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày (từ ngày 14/1 đến 20/2/2008) mang tính dị thường, cực đoan, gây thiệt hại lớn cho con người, vật nuôi, cây trồng. Sau rét đậm, rét hại lại đến nắng nóng vì các địa phương trong tỉnh đều chÞu ¶nh h#ng c#a Elnino nhiệt độ cao nhất lên đến 40,8 độ C (năm 2017), cao hơn 3 độ C so với trị số cao nhất năm trung bình nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Nam, ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vài năm nay, tôi đều thiệt hại từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng vì không trúng vụ hoa ly. Thời tiết thất thường nên hoa ly không năm nào nở đúng dịp Tết Nguyên đán cho dù việc trồng, chăm bón đúng quy trình như những năm trước và còn cẩn thận hơn. Các loài hoa khác cũng buộc phải thay đổi thời gian trồng nhưng đều mạo hiểm vì thời tiết nóng, lạnh thất thường nên năng suất, chất lượng đều không đạt.
Để từng bước nâng cao hiệu quả công tác dự báo thời tiết, trong những năm qua ngành KTTV Quốc gia đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị chuyên môn. Trên địa bàn tỉnh, Đài KTTV tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao để phục vụ công tác chuyên môn. Nhờ vậy, công tác cảnh báo, dự báo đã có những bước tiến đáng khích lệ, việc dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là dự báo bão và các đợt mưa lớn đã kịp thời và chính xác hơn. Trên địa bàn tỉnh hiện có các đơn vị thực hiện nhiệm vụ dự báo thời tiết gồm: Đài KTTV tỉnh, Trạm Khí tượng Thái Nguyên, Trạm Khí tượng Định Hóa, Trạm Thủy văn Gia Bảy, Trạm Thủy văn Chã - Phổ Yên. Cùng với đó là 20 điểm đo mưa tự động được lắp đặt rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Việc đo mưa tự động có hiệu quả nên năm 2017, Chi cục Phòng chống lụt bão tỉnh cũng đã lắp đặt thêm 09 trạm đo mưa tự động tại huyện Định Hóa nên đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương cảnh báo tới người khi mưa lớn để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh: Bản chất của công tác dự báo là không chắc chắn vì trong quá trình biến đổi của tự nhiên có những vấn đề khoa học công nghệ dự báo KTTV hiện nay chưa nắm bắt được. Nhất là đối với những hiện tượng thời tiết hình thành nhanh và xảy ra trên diện hẹp như dông, tố, lốc, lũ quét... Với những hiện tượng này, đơn vị mới dừng lại ở cảnh báo nguy cơ trên khu vực rộng, chưa cảnh báo được chi tiết về thời gian, địa điểm. Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế này là do nhân lực dự báo viên quá ít, trình độ dự báo viên và công cụ, công nghệ hỗ trợ cảnh báo dự báo tại cơ sở còn rất thấp so với yêu cầu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và hạn hẹp. Do vậy, để làm tốt hơn nữa, cán bộ làm công tác dự báo thời tiết phải bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn để cảnh báo và dự báo phục vụ cho công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Dự báo thời tiết để cảnh báo thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, không thể lơ là nhưng đây không phải là giải pháp căn bản chống lại BĐKH. Nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường, hiện tượng nóng lên toàn cầu… đã khiến nước biển dâng, bão lụt, hạn hán hoang mạc hoá gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đây là những yếu tố làm thay đổi lớn môi trường tự nhiên và môi trường sống. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành KTTV trong công tác dự báo, cảnh báo thì để hạn chế và chủ động ứng phó với BĐKH, con người cần giảm thiểu những tác động bất lợi đến môi trường, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng năng lượng sạch (sức nước, sức gió, năng lượng mặt trời); nâng cao độ che phủ của rừng… Đây chính là những vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.