Bằng những việc làm cụ thể, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở T.P Sông Công đã góp phần hạn chế rác thải nhựa, nâng cao nhận thức của hội viên và người dân trong việc phân loại, xử lý rác thải.
Chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa tổ 4, phường Lương Sơn, đúng lúc các chị em phụ nữ trong tổ đang tập trung dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị tập văn nghệ để chào mừng kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) và 1 năm thành lập mô hình phân loại, xử lý rác thải, hạn chế sử dụng túi nylon. Chị Đinh Thị Thơm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 4 cho biết: Do nằm gần Quốc lộ 3 và có Ga Lương Sơn đóng chân nên tổ 4 có nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Trước đây, chị em không chú trọng lắm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường nên rác thải thường ùn ứ. Bây giờ khác rồi, ai cũng tự giác dọn vệ sinh môi trường. Có kết quả như vậy là nhờ chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình về cách phân loại rác thải tại nguồn, tác hại của việc lạm dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày; vệ sinh đường, ngõ sạch sẽ vào dịp cuối tuần và cuối tháng. Bên cạnh đó, chúng tôi tặng 47 chiếc làn nhựa đi chợ cho các hội viên tiêu biểu; thu gom lon, chai lọ nhựa để bán lấy tiền gây quỹ hoạt động Chi hội…
Chị Nguyễn Thị Dung, xóm Tân Thành 2, xã Tân Quang, chia sẻ: Tôi thường dùng làn nhựa, hộp nhựa hoặc hộp inox để đi chợ, ở trong bếp lúc nào cũng có túi đựng nilon tái sử dụng. Đối với rác từ vỏ rau, củ, quả, tôi để chăn gà hoặc ủ làm phân bón, vừa tiết kiệm lại vừa hạn chế được lượng rác thải ra môi trường.
Chị Phạm Thị Bích Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN T.P Sông Công cho biết: Để phong trào “Chống rác thải nhựa” lan tỏa, thấm sâu vào đời sống của cán bộ, hội viên phụ nữ, ngay từ đầu năm, Hội LHPN Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện phong trào gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” và phong trào “Phụ nữ Sông Công chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Theo đó, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền phong trào “Chống rác thải nhựa” thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Nói chuyện chuyên đề; giao lưu, tọa đàm; sinh hoạt câu lạc bộ, chi hội; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ hội từ cấp xã, phường đến chi hội; tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của rác thải nhựa gây ra đối với môi trường sống và sức khỏe con người; hướng dẫn, thực hành phân loại xử lý rác trực tiếp tại các hộ dân; vận động hội viên hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải, hộp nhựa sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy… Hội cũng thành lập mô hình điểm; hỗ trợ đối ứng thùng phân loại rác thải cho các xóm điểm nông thôn mới kiểu mẫu sau đó nhân rộng trên địa bàn; tổ chức dọn kênh mương, đường làng ngõ xóm, trồng hoa ven đường, trụ sở, nhà văn hóa…
Ngoài ra, Hội vận động các đơn vị hội cơ sở, các cơ quan hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút, chai nước suối, đĩa, cốc, thìa); chuyển sang sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc bình/chai nước uống dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách; khuyến khích các hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, các tiểu thương buôn bán tại các chợ, các hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ hoặc quản lý giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nhờ những hoạt động đó, đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 30 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải”; 14 mô hình “Hạn chế sử dụng túi nylon”; 71 mô hình “Thu gom rác thải hoặc vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; 158 CLB “5 không 3 sạch”; 11 mô hình “3 có”; 1 mô hình “Tiết kiệm từ rác thải”; 85 “Tổ phụ nữ tự quản đoạn đường xanh, sạch, đẹp”… Giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa giờ đây đã trở thành việc làm thường xuyên, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.