Chuyện một họa sĩ mang áo thợ

17:07, 05/01/2020

Trong giới hội họa vùng Việt Bắc, có một họa sĩ không chuyên, nhưng được nhiều người biết đến qua tranh cổ động, và biệt tài luyện thi cho học trò theo vào các trường đại học có liên quan đến hội họa. Đó là họa sĩ Nguyễn Văn Thao, 63 tuổi, ở Khu dân cư số 9, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên.  

Từ một công nhân lái cẩu trục Khu Gang thép Thái Nguyên, được tổ chức điều động đi học vẽ, rồi trở thành thợ vẽ tranh cổ động. Mấy mươi năm đi qua đời người, gắn với nghiệp họa, ông là “cha đẻ” của hàng nghìn tấm pa nô, khẩu hiệu về an toàn lao động. Không phải là danh họa, nhưng ông tâm huyết, truyền được cảm hứng về hội họa cho thế hệ sau. Đã có gần 1.000 học trò ở Thái Nguyên và một số tỉnh miền Bắc được ông hướng dẫn cho cách cầm bút thực hiện nét vẽ đầu tiên, để sau này trở thành kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà mỹ thuật, điêu khắc...

Ông chia sẻ: Năm 1974 tôi vào làm công nhân tại Xưởng Luyện thép (Công ty Gang thép Thái Nguyên) - (Nay là Nhà máy luyện thép Lưu Xá). Lãnh đạo thấy tôi cẩn thận, cần mẫn nên đào tạo tôi trở thành thợ lái cẩu trục. Nhưng cái nghiệp vẽ vận vào đời như một định mệnh. Năm 1977, tôi được cử tham gia lớp học sáng tác mỹ thuật 8 tháng, do Công ty tổ chức. Tôi còn nhớ như in hình ảnh bác Huỳnh Tấn Bính, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Xưởng giao nhiệm vụ: Cháu cố gắng học cho thật tốt, để sau này làm nhiệm vụ vẽ tranh cổ động, kẻ vẽ pa nô, áp phích cho đơn vị… 

Sau khóa học, ông trở về Xưởng, rồi được điều động lên làm việc tại bộ phận công đoàn, trực tiếp làm cán bộ văn hoá, thông tin của Công ty. Kể từ đây, ông dời cần trục lái cẩu, chính thức trở thành họa sĩ vẽ Tranh cổ động. Rồi vào các dịp lễ, Tết, các đợt thi đua cao điểm của Công ty, bên các trục đường vào nhà máy, xưởng sản xuất, quảng trường Công nhân treo rực rỡ các tấm tranh cổ động do ông thực hiện. Ông chia sẻ: Vẽ tranh cổ động thường được thực hiện theo chủ đề, chủ điểm phong trào Công ty phát động. Các yếu tố quan trọng của tranh cổ động là màu sắc, đường nét, nhịp điệu đơn giản song bao hàm tính tượng trưng cao, vì thế tranh tạo ấn tượng mạnh, người xem dễ tiếp cận, tiếp thu nhanh. 

Công ty đặt lên vai ông - một thợ vẽ chuyên nghiệp của đơn vị. Nhưng ông vẽ không vì trách nhiệm của người làm công ăn lương, mà vẽ bằng sự say mê của trái tim mách bảo. Chính vì thế trong mỗi bức họa cổ động đều được ông sáng tạo, như việc giản đơn, lược đi các chi tiết không cần thiết của một bức tranh; hoặc sáng tạo thêm một vài nét vẽ để nội dung chính cần tuyên truyền được nổi bật lên trên hình họa, người xem có thể nhìn qua đã thấy chủ đề, chủ điểm và tự hối thúc mỗi người tham gia hưởng ứng một phong trào thi đua yêu nước. Nghệ sĩ mảng hội họa Thái Nguyên của hồi bấy giờ còn sống, đều tâm đắc, cảm thán vì “bất thình lình” có một họa sĩ trẻ tuổi (22 tuổi) mang trình làng bức tranh sơn dầu có chủ đề rất… cơ khí học: “Đúc trục cán thép”. Đó là tại Triển lãm mỹ thuật ngành công đoàn tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất năm 1979. Triển lãm quy tụ hàng chục tác phẩm hội họa về người lao động, không khí lao động sản xuất… của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên. Tác phẩm “Đúc trục cán thép” của ông đoạt giải B (không có giải A). 

Với một họa sĩ mang áo thợ như ông thì đó là một niềm hãnh diện lớn. Nhưng “Nghiệp họa chẳng đùa… chuyện áo cơm”. Năm 1987, ông cùng nhiều lao động khác ở Công ty Gang thép Thái Nguyên đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ. Làm việc tại một nhà máy thép ở Ucraina đến năm 1991 thì về nước. Trở lại Công ty Gang thép Thái Nguyên, ông tiếp tục với nghiệp vẽ tranh tranh an toàn lao động theo sự phân công của tổ chức.

Nay đã về hưu, không làm thợ vẽ cho Công ty Gang thép Thái nguyên, nhưng ông vẫn gắn bó với các loại cọ vẽ lớn nhỏ và hộp màu. Ông sáng tác tranh nghệ thuật và cần mẫn truyền dạy cho các học trò từng nét bút. Ông vẽ tâm huyết với mong muốn dâng hiến cho cuộc đời những gì đẹp nhất mình có. 2 bức tranh gần đây ông tâm đắc đều vẽ về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gồm “Nhớ ngày đầu thành lập” và “Ký ức Điện Biên Phủ” được thực hiện bằng chất liệu sơn dầu. 2 bức tranh này được thai nghén, dồn tụ, ấp ủ gần nửa cuộc đời và được ông thực hiện bằng sự kính trọng. Hiện 2 bức họa này được ông trao tặng lại cho tỉnh Thái Nguyên và được trưng bày, triển lãm tại các ngày hội lớn của tỉnh.