Từ chiếc máy cày năm xưa Bác tặng

09:45, 19/05/2020

Bia di tích đặt tại khu vực xóm Chúng, xã Tân Dương (Định Hóa) còn ghi lại mấy câu thơ: “Bác Hồ 72 tuổi/ Đường qua cửa Chúng/ Bác tặng máy cày/ Chúng cháu biết ơn”. Nội dung đó nhắc nhớ tới một sự kiện đặc biệt đối với cán bộ, nhân dân xã Tân Dương nói riêng và huyện Định Hóa nói chung, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến chiếc máy cày đa năng. Món quà ấy đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn để địa phương ra sức thi đua phát triển sản xuất trong kháng chiến và đến tận hôm nay.

Xã Tân Dương được biết đến là một trong những vựa lúa chính của huyện Định Hóa, với cánh đồng miền Tân Tiến bằng phẳng, rộng trên 100ha. Những năm 1960, phong trào sản xuất nông nghiệp ở đây phát triển mạnh mẽ, 100% hộ dân công hữu ruộng đất, trâu, bò, cày bừa để làm ăn tập thể. 4 HTX hình thành là: Tân Tiến, Miền Tràng, Kiền Dương và Tân Phương. Trong số này, HTX Tân Tiến được coi là điển hình, một trong những lá cờ đầu phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Thái Nguyên và miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Với những thành tích nổi bật đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng đến tận nơi xem xét, kiểm chứng. Để khích lệ, Người quyết định gửi tặng HTX Tân Tiến một chiếc máy cày đa năng do Tiệp Khắc sản xuất. Ngày 21/03/1962, toàn thể nhân dân HTX đã làm lễ tiếp nhận máy cày, đồng thời viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa thực hiện vượt mức chỉ tiêu sản xuất năm 1962. Chúng tôi từng có dịp trò chuyện với nguyên Bí thư Chi bộ xã Tân Dương, Chủ nhiệm HTX Tân Tiến, ông Thái Văn Phóng khi ông còn sống. Ông đã kể rằng: Với khẩu hiệu “Phất cao cờ hồng, quyết thắng đông xuân, tiến quân toàn diện” và “Phất cao cờ hồng, vượt gió Đại Phong, vụ mùa toàn thắng”, từ năm 1961, HTX Tân Tiến đã đạt năng suất lúa tới 47 tạ/ha. Món quà của Bác đã giúp ích rất nhiều trong việc cơ giới hóa sản xuất. Chiếc máy “vạn năng” vừa giúp cày bừa, chở thóc, kéo gỗ đến vận chuyển lương thực, hàng hóa. Công việc đồng áng vì thế trở nên nhẹ nhàng. Quan trọng hơn đó là động lực tinh thần rất lớn, giúp bà con tiếp tục cố gắng trong lao động, sản xuất. HTX Tân Tiến mở đầu cho phong trào thi đua đã đuổi kịp và vượt HTX Đại Phong (Quảng Bình), có thời điểm đạt năng suất lúa hơn 50 tạ/ha. Năm 1963, đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế cao cả là kết nghĩa với HTX Palin của Tiệp Khắc, vinh dự đón nhiều lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các đoàn khách quốc tế về thăm.

Dù bận rất nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, động viên những điển hình như HTX Tân Tiến. Người từng nêu gương đơn vị trong một bài báo với bút danh T.L; tại Hội nghị cán bộ miền núi tổ chức ngày 01/9/1962. Và lần cuối về thăm Thái Nguyên ngày 01/01/1964, trong buổi nói chuyện với hơn 4 vạn cán bộ và nhân dân tại Sân vận động Thái Nguyên, một lần nữa Người biểu dương HTX Tân Tiến là điển hình của phong trào xây dựng HTX nông nghiệp, một Đại Phong của Thái Nguyên và miền Bắc. Bà Nông Thị Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Dương cho biết: Đã gần 60 năm trôi qua, những lời căn dặn và động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Cán bộ và nhân dân xã Tân Dương luôn cố gắng phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đến nay, cơ bản bà con trên địa bàn đã sử dụng máy móc trong sản xuất giúp giải phóng lao động và nâng cao năng suất. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, bình quân sản lượng lương thực mỗi năm của Tân Dương đạt khoảng 3.000 tấn. Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp của xã đã đạt 90,1 triệu đồng, cao hơn trung bình của huyện Định Hóa 4 triệu đồng.

Vắt ngang qua những thửa ruộng của HTX Tân Tiến năm xưa, có một tuyến đường rộng thoáng, hiện đại mang tên Hồ Chí Minh vừa hoàn thành. Cùng với tiền đề sản xuất nông nghiệp, tuyến đường đi qua nhiều tỉnh trở thành đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân Tân Dương nói riêng và cả vùng Việt Bắc nói chung. Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của Bác đã và đang trở thành hiện thực.