Vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống

09:18, 07/05/2020

Gần 140 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng từ khi thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ đến cuối năm 2019. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc, phối hợp trách nhiệm của hội, đoàn thể các cấp trong việc góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân, nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Nếu như trước đây, mỗi lần có dịp về các gia đình ở nông thôn, nhiều người thường bị “ám ảnh” bởi công trình vệ sinh rất mất vệ sinh và nguồn nước cũng ít nơi được đảm bảo, thì nay, cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết khi mà số hộ dân được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng nhiều. Tính đến cuối năm 2019, sau 14 năm triển khai thực hiện Chương trình (từ năm 2006), từ mức vay ban đầu chỉ là 8 triệu đồng/2 công trình thì đến tháng 9-2018, đã nâng lên 20 triệu đồng/2 công trình, đã có 74.798 công trình nước sạch và 64.865 công trình vệ sinh được xây dựng, tổng doanh số cho vay đạt trên 800 tỷ đồng, với xấp xỉ 79 nghìn lượt hộ được vay vốn. Tính đến cuối năm 2019, số dư nợ của Chương trình này còn 446 tỷ đồng, với 32.179 hộ đang vay.

Chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Tiến, huyện Đại Từ chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn này mà nhiều hộ trong xã mới có điều kiện để đầu tư xây dựng công trình phụ và công trình nước sạch. Hiện, dư nợ toàn xã đối với chương trình này là 3,1 tỷ đồng, với 217 hộ còn dư nợ. Toàn xã đã có trên 800 hộ (trong tổng số 1.200 hộ) có công trình vệ sinh và nước sạch hợp vệ sinh. Năm nay, xã Minh Tiến sẽ về đích nông thôn mới nên chúng tôi mong muốn được NHCSXH tạo điều kiện cho vay để nâng số hộ dân có công trình vệ sinh và nước sạch đạt tối thiếu 80% trên tổng số hộ dân.

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên: Cũng như tất cả các chương trình cho vay khác, trong quá trình triển khai, Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện, thành, thị luôn có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể để triển khai đến các hộ có nhu cầu vay vốn đúng mục đích nên chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, với tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì dưới 0,01%.

Đặc biệt, cùng với các nguồn vốn tín dụng khác, vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong việc đảm bảo sức khỏe cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 93%, tăng 33% (trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn quốc gia là 69%); tỷ lệ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 74%, tăng 36%, so với trước khi thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg.

Theo ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Hiệu quả mà các nguồn vốn cho vay từ NHCSXH trong suốt những năm qua là không hề nhỏ, góp phần quan trọng giúp các địa phương hoàn thiện được tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, bà con nhân dân đều mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình tín dụng này giai đoạn sau năm 2020 và nâng mức cho vay lên 40 triệu đồng/2 công trình cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.