Với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, những năm gần đây, huyện Võ Nhai luôn hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động. Mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho từ trên 1,3 nghìn đến gần 1,8 nghìn người, vượt chỉ tiêu kế hoạch từ 33% đến gần 80%/năm.
Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, huyện đã tiến hành rà soát lại toàn bộ lực lượng trong độ tuổi lao động và phân chia thành các nhóm theo giới tính, trình độ, tuổi tác để tuyên truyền về chính sách ưu tiên trong dạy nghề, tạo việc làm và định hướng tìm kiếm việc làm phù hợp. Huyện cũng chỉ đạo các xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên hằng năm tổ chức các lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân trên địa bàn; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về trồng và chăm sóc cây ăn quả, công nghệ chế biến chè theo quy trình VietGAP… Qua đó, các cấp chính quyền địa phương, các ngành và người dân đã có chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc đào tạo nghề; công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh; tỷ lệ lao động học nghề gắn với tự tạo việc làm và tìm được việc làm mới đạt trên 80%; lao động nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, làm các nghề phi nông nghiệp…
Đặc biệt, nhiều lao động sau khi học nghề đã phát triển kinh tế, làm giàu như trường hợp anh Chu Văn Hợp, 34 tuổi ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá. Sau khi tham gia một số lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi do huyện và xã tổ chức, anh Hợp quyết định đầu tư mô hình kinh tế với trên 500 gốc Thanh long ruột đỏ, gần 1 nghìn m2 ao nuôi cá và khoảng 500 gia súc, gia cầm/lứa. Chịu khó học hỏi, làm chủ kỹ thuật, mô hình kinh tế của anh Hợp đem về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Đầu năm 2020, anh Hợp đầu tư 250 triệu đồng mua 10 con bò lai giống 3B về nuôi thương phẩm. Dự kiến, khi xuất bán vào cuối năm nay, anh sẽ thu về khoảng 1 tỷ đồng doanh thu trong đó có trên 250 triệu đồng lợi nhuận. Trao đổi với chúng tôi, anh Hợp cho biết: Các lớp đào tạo nghề không chỉ trang bị kiến thức kỹ thuật cho tôi mà còn giúp tôi thay đổi tư duy, mạnh dạn vay vốn về phát triển kinh tế.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, huyện Võ Nhai còn mở thêm các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, đồng thời tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về việc làm. Thay vì chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, người lao động được khuyến khích chủ động tìm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cùng với đó, để tạo cơ hội tiếp cận thông tin cho người lao động, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày hội việc làm cấp huyện và các phiên giao dịch, hội nghị việc làm cấp xã. Hoạt động này đã thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp, gián tiếp với nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động.
Nhờ những giải pháp trên, đến nay toàn huyện đã có trên 10 nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp trong nước và trên 300 người đi xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Trong đó, riêng thị trường lao động trong nước hiện có gần 1.000 lao động người Võ Nhai (200 lao động thuộc hộ nghèo) làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; trên 1.000 lao động khác đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện…
Chi nhánh TNG Võ Nhai của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là doanh nghiệp mới nhất đi vào hoạt động tại Võ Nhai. Ông Bế Văn Dũng, cán bộ phụ trách nhân sự Công ty cho biết: Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ huyện Võ Nhai và các xã trên địa bàn nên dù mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng đã giải quyết việc làm cho 400 lao động trong đó có 380 lao động của Võ Nhai với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nông Thị Hương Dịu, 25 tuổi, thường trú xóm Xuân Hòa, xã La Hiên (Võ Nhai) sau 5 năm đi làm ăn xa nhà đã tìm được công việc phù hợp tại doanh nghiệp này. Chị khẳng định: Tôi rất hài lòng bởi việc làm này không chỉ phù hợp mà còn giúp tôi có điều kiện làm việc gần nhà, tiết kiệm chi phí đi lại, sinh hoạt và còn có thêm thời gian chăm sóc gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai cho biết: Nhờ các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm trên địa bàn Võ Nhai đều tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2015, toàn huyện mới chỉ đạt 18% lao động đã qua đào tạo thì đến hết năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 32,31% và đến hết năm 2020, huyện phấn đấu đạt 35%.