Người Mông và khát vọng vươn lên từ "con chữ": Bản Mông thay “áo” mới (Kỳ I)

09:15, 20/08/2020

Đến với các bản người Mông trong tỉnh, hiện hữu trước mắt chúng tôi không chỉ là những khuôn mặt thuần hậu, chất phác; đường bê tông uốn lượn theo triền núi; lúa, ngô xanh hút tầm mắt… mà có cả những em thơ đang hồ hởi chờ mong năm học mới. Rất lâu rồi, thầy, cô giáo ở các điểm trường của bản người Mông không phải vất vả đi vận động học sinh quay lại lớp sau kỳ nghỉ hè nữa. Sau bao năm nhọc nhằn với áo cơm, hơn 1.500 hộ đồng bào dân tộc Mông ở các bản vùng cao của 18 xã, thuộc địa bàn các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương đã quan tâm tới sự học của con trẻ.

Từ “nuôi con chữ”

Khi trò chuyện cùng chúng tôi, Bí thư Chi bộ bản Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) Hoàng Văn Tài nói: Hơn hai mươi năm trước, khi mới lập bản, trình độ dân trí ở đây thấp lắm, tỷ lệ người mù chữ còn nhiều, nhất là người già. Nhưng nay, đường đi của “con chữ” không còn xa với những bản người Mông nữa.

Anh Dương Văn Sình, Trưởng bản người Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) thì tâm đắc: Cán bộ đã đến “khai sáng” cái nếp nghĩ cho chúng mình là muốn thoát nghèo thì phải “nuôi con chữ” mới mong thu lượm được kiến thức để áp dụng vào sản xuất, cuộc sống. Bởi thế, hàng chục năm nay, nhà nào cũng cố gắng cho con đến trường.

Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020, Nhà nước và bà con dân bản đã hợp sức xẻ núi, hạ thấp độ cao, cứng hóa bao cung đường nên con đường tới trường của trẻ em ở bản Mông đã thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Ở nhiều nơi, dù còn xa trường, lớp nhưng có em được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học bán trú để con đường đến trường vợi bớt nhọc nhằn. Đáng nói là, một vài gia đình, cuộc sống dẫu chưa hết khó khăn nhưng vẫn lo cho con cái được học lên cao. Gia đình ông Hoàng Văn Mùi, xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) là một ví dụ. Khi cuộc sống còn khó khăn, ông vẫn động viên 8 người con đến trường. Thậm chí, năm 2011 và 2012 là thời điểm gia đình phải cùng lúc nuôi 2 người con theo học tại trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng ông vẫn quyết tâm vay tiền ngân hàng và bán hai con trâu để nuôi các con ăn học. Đến nay, 1 người con của ông có trình độ đại học, 2 người con có trình độ cao đẳng… Ông cho hay: Chỉ lo bọn trẻ không ham học thôi chứ dù vất vả đến mấy mình cũng không tiếc tiền cho con được học lên cao.

Tại những nơi còn nhiều gian khó, giao thông xa xôi, cách trở, để thỏa niềm mong mỏi của bà con, nhiều điểm trường được dựng lên ở ngay trung tâm bản đã tạo điều kiện cho các em được đi học ngay từ bậc học mầm non. Điểm trường ở bản vùng cao Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ) hay Lũng Luông, Thượng Nung (Võ Nhai) chính là minh chứng sống động nhất. Đặc biệt, từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm trong cả nước, điểm trường Lũng Luông đã được đầu tư kinh phí 6 tỷ đồng xây dựng các phòng học, sân trường, khuôn viên… phục vụ việc học tập và giảng dạy của hơn 120 học sinh (chủ yếu là người Mông) và trên 20 giáo viên.

Đến nay, chưa có con số thống kê chính xác về trình độ học vấn của người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, hiện phần lớn trẻ em người Mông đều được học hết bậc THCS. Một số em, tuy phải vượt mấy chục km để được theo học bậc THPT, nhưng vẫn nỗ lực  thực hiện giấc mơ chinh phục “con chữ” và theo học lên bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Đơn cử như bản Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), có trên 120 trẻ đang theo các bậc học, hơn 30 em đã tốt nghiệp THPT, 3 em tốt nghiệp cao đẳng, đại học; bản Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) đang có 200 trẻ được đến trường, trong đó có 20 em đã học hết bậc THPT, 4 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng…

Đến những đổi thay

Đến các bản người Mông hôm nay, chúng tôi đều nhận được một thông điệp chung rằng, cuộc sống của bà con có được sự đổi thay là nhờ vào “con chữ”. Dù ít, nhưng đã có những người con của bản Mông, sau khi học xong cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp đã trở thành cán bộ như chị Hoàng Thị Bích Mai, đang công tác tại UBND xã Quang Sơn (Đồng Hỷ); có người đã trở thành thầy giáo để mang tri thức về với bản làng của mình như anh Hoàng Văn Hinh, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ); có người lại trở thành nhà báo đang công tác tại Thủ đô như anh Hoàng Văn Hình, người con của bản người Mông Khe Cạn, xã Văn Lăng…

Cũng nhờ theo đuổi “con chữ”, nhiều trường hợp đã tốt nghiệp bậc THCS được nhận vào làm công nhân tại một số doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên … Ví như tại bản Trung Sơn, hiện nay, đang có hơn 30 người dân tộc Mông làm việc tại các doanh nghiệp nêu trên với mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng.

Người Mông Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) đã mạnh dạn đầu tư mua máy tuốt lúa về phục vụ sản xuất và làm dịch vụ.

Ông Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc (Võ Nhai) cho rằng: Khi người Mông có “con chữ”, đồng nghĩa với việc bà con sẽ tiếp nhận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước dễ dàng hơn. Cán bộ địa phương vì thế cũng đỡ vất vả vài phần. Đáng mừng hơn, từ khi biết chữ, người Mông đã dung nạp kiến thức từ sách, báo để ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, khoảng 10 năm nay, nhiều diện tích đất hoang đã được khai khẩn để trồng lúa, ngô. Nhiều hộ đã đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển đổi giống cây trồng nên cuộc sống vì thế cũng được cải thiện rất nhiều.

Thực tế này đang được ghi nhận tại bản Mông Trung Sơn. Anh Sình, Trưởng bản cho hay: Nhờ có “con chữ” nên 5 năm nay, tư duy làm ăn của mọi người đã thay đổi nhiều. Trước đây bà con trồng ngô trên núi, nhưng hơn 3 năm nay hơn 20 hộ dân đã chuyển sang trồng na, nhãn, bưởi. Nhà ít thì 200 cây, nhà nhiều trồng đến 5.000 cây. Vào mùa na, nhãn chín, hộ ít cũng thu 500 đến 1 triệu đồng/ngày, hộ nhiều thu từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/ngày. Cuộc sống vì thế đã không còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa; chỉ lo xây dựng nhà cửa và đầu tư cho tương lai con cái thôi.

Đi và cảm nhận sự đổi thay ở những bản người Mông, chúng tôi càng hiểu được ý nghĩa của “con chữ”, của tri thức. Vậy là sao bao năm đi theo Đảng, Bác Hồ, người Mông ở Thái Nguyên đã không chỉ định canh, định cư dựng xây cuộc sống mới mà còn nỗ lực nắm giữ tri thức để vươn lên thoát nghèo. Dù vậy, một thực tế là “con chữ” ở bản Mông vẫn còn lắm chông chênh khi nhiều gia đình còn thờ ơ với việc cho con học lên cao; không ít bản vẫn còn tình trạng trẻ đang ở tuổi vị thành niên (15, 16, 17 tuổi) đã nghỉ học để kết hôn. Đặc biệt, hiện vẫn còn rất ít con em người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh được tham gia vào bộ máy chính quyền ở các địa phương cũng như công tác trong các lĩnh vực của tỉnh. Đây chính là một “lỗ hổng” để cho các thế lực thù địch, các thành phần hoạt động tà đạo lôi kéo bà con người Mông vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Vì lẽ đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc Mông đang rất cần được tỉnh quan tâm.

(Còn nữa)