Sẵn sàng cho xuất khẩu lao động

08:54, 13/09/2020

Xuất khẩu lao động (XKLĐ), một giải pháp tích cực trong mục tiêu giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, làm thay đổi đời sống gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị hoạt động ở lĩnh vực XKLĐ phải đối diện với nhiều khó khăn. Nhiều lao động sau khi đã  thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết, nhưng không thể xuất cảnh ra nước ngoài làm việc.

Ông Hồng Sỹ Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế Thái Việt, một trong 2 đơn vị tham gia lĩnh vực XKLĐ có trụ sở làm việc chính tại Thái Nguyên cho biết: Đơn vị tham gia 2 thị trường lao động chính là Đài Loan và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong nhiều tháng nay, hầu hết lao động đều không xuất cảnh được do dịch COVID-19 bùng phát ở hầu khắp các nước trên thế giới. Nhiều nước tạm đóng cửa, chưa tiếp nhận lao động từ bên ngoài vào. Ngay ở trong nước, nhiều đường bay quốc tế tạm ngừng hoạt động.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH: Từ lâu, tỉnh đã luôn quan tâm đến nhiệm vụ giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho người lao động, trong đó có XKLĐ. Do vậy, việc lao động không được xuất cảnh gây thiệt hại rất lớn đến các đơn vị tham gia lĩnh vực XKLĐ và người lao động…
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: Từ nhiều năm trước đây, LĐXK có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ đi XKLĐ. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2019, số người tham gia LĐXK năm sau luôn cao hơn so với năm trước. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 1.676 LĐXK, thì năm 2019 có 2.018 LĐXK, tăng 120,4%. Các thị trường được người lao động quan tâm tham gia trong thời gian từ năm 2015 đến hết tháng 3 năm 2020 là 8.158 người, trong đó: Hàn Quốc 166 người; Nhật Bản 2.404 người; Đài Loan 4.110 người; Malaysia 196 người; các nước Trung Đông 669 người; thị trường khác 613 người. Thị trường lao động mang lại thu nhập cao, được người lao động quan tâm, như: Hàn Quốc, Đài Loan... Tuy nhiên, cũng có một số thị trường bị sụt giảm, người lao động không còn mặn mà như: Malaysia; các nước Trung Đông.
 
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở Lao động - TBXH) nói: Trong 3 tháng đầu năm nay, việc XKLĐ dường như không bị ảnh hưởng, toàn tỉnh có 574 lao động được xuất cảnh đến các thị trường truyền thống, trong đó có 286 lao động nhập cảnh vào Nhật Bản; 268 lao động nhập cảnh vào Đài Loan. Có 27 lao động đỗ vòng 2 kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS đợt 1-2020, hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển làm việc tại Hàn Quốc gửi về Trung tâm lao động ngoài nước. Nhưng từ tháng 4 đến nay, tình hình XKLĐ được coi như đóng băng. Để phòng, chống dịch, nhiều thị trường lao động thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đặc biệt đầu quý II, tình hình dịch bệnh trong nước được khống chế, cơ hội XKLĐ chưa kịp sôi động trở lại thì dịch tái bùng phát. Hơn nữa, tại một số thị trường lao động trên thế giới dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, nên chưa mở cửa đón nhận lao động ngoài nước vào làm việc. Nên lúc này, giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất vẫn là chờ đợi.
 
Thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người lao động. Bản thân họ và gia đình đã phải chịu nhiều tốn phí để học tiếng, học nghề và cho các thủ tục pháp lý khác. Để có số tiền ấy, nhiều trường hợp phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay lãi suất ngân hàng, thậm chí vay lãi bên ngoài xã hội để hoàn thiện các thủ tục và đủ điều kiện xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Nhưng vì dịch COVID-19, họ phải tiếp tục chờ đợi và mỗi ngày đều phải trả tiền lãi vay theo quy định pháp luật.
 
Chị Nguyễn Thị Hường, phường Đồng Bẩm, chia sẻ: Tôi đã làm đầy đủ các thủ tục để đi làm việc tại Nhật Bản song bị kẹt lại, không xuất cảnh được. Tôi không oán trách ai, tự động viên mình tiếp tục chờ đời và hy vọng sớm hết dịch. Khi đó, tôi mới có cơ hội làm việc, mới có tiền gửi về cho gia đình trả nợ vay ngân hàng và họ mạc. Trong thời gian chờ đợi, tôi đi làm thuê cho các nhà hàng bằng việc bưng, bê, kê, dọn, vừa giết thời gian, lại có thu nhập và tranh thủ học tiếng Nhật.
 
Chị Hường là 1 trong hàng trăm trường hợp lao động Thái Nguyên đang chờ xuất cảnh đến các thị trường lao động ngoài nước. Trong lúc dịch chưa chấm dứt, họ tiếp tục cùng gia đình lo toan mùa vụ. Nhiều người khác làm phụ hồ, trông trẻ, giúp việc cho nhà hàng, nhặt phế liệu kiếm sống mỗi ngày. Và mỗi ngày họ đều tự học tiếng và tìm hiểu về văn hóa; kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử ở quốc gia, vùng lãnh thổ mình sẽ đến làm việc khi dịch bệnh được đẩy lùi.