Phát huy vai trò là “cầu nối” giúp thanh niên lập thân lập nghiệp, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn có việc làm ổn định...
Toàn tỉnh hiện có trên 366 nghìn thanh niên, chiếm 28,47% dân số; trong đó, thanh niên khu vực nông thôn là 69,7%. Để triển khai hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã phân loại các nhóm đối tượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có nhu cầu tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm khác nhau để hỗ trợ, giải quyết. Đối với thanh niên nông thôn, Đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ĐVTN tham gia học nghề, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu và trình độ. Hàng năm, các cơ sở Đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp, ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động… thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức 150 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 15.000 thanh niên nông thôn; 4 lớp tập huấn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 400 ĐVTN đang tham gia phát triển kinh tế; duy trì hiệu quả 7 hợp tác xã và chỉ đạo thành lập mới Hợp tác xã Nông sản sạch Tràng Xá (Võ Nhai); duy trì hiệu quả hoạt động của 283 mô hình kinh tế của thanh niên, hỗ trợ 20 mô hình thanh niên làm kinh tế với số vốn hỗ trợ 2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn (vốn 120) gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2019, Tỉnh đoàn đã tổ chức thành công cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên”, thu hút gần 150 ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Trong đó có 9 dự án lọt vào chung kết đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng.
Từ sự kết nối, tiếp sức của tổ chức Đoàn, nhiều thanh niên ở khu vực nông thôn đã có việc làm, thu nhập ổn định tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đơn cử như mô hình kinh tế của anh Trần Văn Long, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Cuối năm 2017, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cơ khí do Trung tâm dạy nghề Thanh niên (Tỉnh đoàn) tổ chức, anh quyết định về quê mở xưởng chế tạo cơ khí. Quá trình khởi nghiệp, anh còn được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, số tiền là 300 triệu đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất chỉ hơn 7%/năm.
Anh Long cho biết: Nguồn vốn đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi lập nghiệp. Sau 3 năm đi vào hoạt động, xưởng cơ khí đã đem lại thu nhập trên 500 triệu mỗi năm và giải quyết việc làm cho 5 thanh niên trong xã với thu nhập 7 triệu đồng/tháng/người. Còn chị Hoàng Thị Nguyệt, ở xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) hiện đang làm việc tại Công ty TNHH May Dương Thành chia sẻ: Tôi được Huyện đoàn giới thiệu tìm việc tại nhà máy may. Nhờ vậy, tôi đã có công việc phù hợp với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Thực tế, các chương trình do Đoàn tổ chức đã đạt được hiệu quả nhất định, nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã được tuyển dụng vào các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Hay từ nguồn vốn vay do Đoàn quản lý, nhiều thanh niên đã tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Anh Đoàn Quang Duy, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Công tác phối hợp, tư vấn và giải quyết việc làm được Tỉnh đoàn chỉ đạo thực hiện thường xuyên đã góp phần nâng cao ý thức vươn lên trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng của thanh niên. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.