Huyện Võ Nhai hiện có trên 10.600 hội viên Hội phụ nữ, trong đó phụ nữ là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 70%, hầu hết là lao động chính trong gia đình. Những năm qua, nhờ được tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt, là các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhiều phụ nữ DTTS đã có việc làm, thu nhập ổn định.
Sau gần 3 tháng được học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Trung tâm) huyện Võ Nhai , đến nay cuộc sống của gia đình chị Hà Thị Hồng Lê, dân tộc Tày, ở xóm Bản Trang, xã Nghinh Tường đã ổn định hơn nhờ nguồn thu nhập từ nghề đã học. Chị Lê cho biết: Trước đây kinh tế của gia đình rất khó khăn, cả nhà 6 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 8 sào ruộng, những lúc nông nhàn 2 vợ chồng lại tranh thủ đi làm thuê, ai kêu gì thì làm đấy. Đầu năm 2019, tôi có đăng ký học nghề may công nghiệp, sau khi học xong tôi được Trung tâm giới thiệu vào làm tại Hợp tác xã May mặc dịch vụ Võ Nhai tại thị trấn Đình Cả, tôi đã có việc làm công ổn định, với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó đã có điều kiện nuôi con cái ăn học và trang trải cuộc sống.
Cũng nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề, chị Lương Hồng Nhung, người dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bài, xã Tràng Xá có công việc ổn định nuôi sống bản thân và gia đình. Chị Nhung chia sẻ: Tôi thích nghề may từ nhỏ nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đành gác lại. Năm 2019, khi biết Trung tâm có mở lớp dạy may công nghiệp tôi đã đăng ký tham gia và mong muốn kiếm cho mình một công việc ổn định. Sau khi học xong chị Nhung được Hợp tác xã May mặc dịch vụ Võ Nhai nhận vào làm. Cần cù, chịu khó, năng động và sáng tạo trong công việc, chỉ sau 5 tháng gắn bó với nghề chị được cất nhắc lên làm quản lý kỹ thuật may, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ tạo việc làm cho chị Lê, chị Nhung, hợp tác xã May mặc dịch vụ Võ Nhai còn tạo việc làm cho gần 100 lao động, trong đó có trên 30% là lao động nữ người DTTS đã qua lớp đào tạo nghề do Trung tâm tổ chức. Ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hợp tác xã May mặc dịch vụ Võ Nhai cho biết: Hợp tác xã được thành lập 2018, chủ yếu là may gia công túi xách cho các siêu thị, trung bình mỗi ngày sản xuất được khoảng 3.000 sản phẩm. Từ khi được thành lập đến nay hợp tác xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm của huyện nhằm tuyển những lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, qua đó đã tiết kiệm được chi phí để tự đào tạo.
Từ năm 2017, đến nay, bình quân mỗi năm Trung tâm đào tạo hơn 200 chỉ tiêu theo nhu cầu các xã, thị trấn. Đào tạo 11 nghề trong đó có 4 nghề phi nông nghiệp là: Sửa chữa máy nông nghiệp, hàn, may công nghiệp và kỹ thuật xây dựng. Nói về phương châm đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn của huyện, ông Hạc Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Từ năm 2017 đến nay, nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất phát triển mạnh mẽ trong và ngoài huyện vì thế Trung tâm cũng mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là nghề may công nghiệp cho phụ nữ người DTTS. Trung tâm đã phối hợp với khoảng 10 hợp tác xã, cơ sở may gia công trên địa bàn thị trấn Đình Cả để học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay tại quê hương. Qua đó, trung bình mỗi năm đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 60 lao động nữ người DTTS.
Có thể thấy, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp thời gian qua đã giúp phụ nữ đồng bào DTTS có việc làm ổn định, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, số lao động nông thôn nữ người DTTS học nghề phi nông nghiệp hiện nay vẫn còn hạn chế. Với định hướng đào tạo nghề của huyện trong thời gian tới là tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp, giảm số lượng học nghề nông nghiệp, các cấp ngành của huyện đang phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.