Trải qua hàng nghìn năm lịch sử và dù con người sống trên trái đất mang nhiều màu da, sắc tộc, ngôn ngữ khác nhau thì phụ nữ vẫn luôn có điểm chung là người “giữ lửa” ấm trong mỗi nếp nhà. Nhà văn Mỹ - Washington Irving viết: “Cả cuộc đời người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương”... Vâng! Cũng như bao phụ nữ trên hành tinh xanh này, “phái yếu” ở vùng đất Thái Nguyên mang đức tính kiên nhẫn, bền bỉ, vượt lên mọi hoàn cảnh, thử thách, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong xã hội.
Theo dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn có đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh dựng nước, giữ nước, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước và gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc; tạo dựng, hun đúc nên bản sắc “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trải qua hai cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, hàng nghìn phụ nữ cầm súng ra trận, tham gia thanh niên xung phong. Nhiều người trong số họ là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; nhiều phụ nữ được Đảng, Nhà nước vinh danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đất nước thống nhất, đổi mới và nhội nhập thế giới, phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong xã hội, vượt lên thành kiến, dần xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” bằng hành động đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội. Hăng hái tham gia vào các hoạt động quản lý Nhà nước, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, no ấm, hạnh phúc.
Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp phụ nữ tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ, từng bước khẳng định vai trò vị trí trong gia đình và ngoài xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phấn xóa bỏ dần định kiến giới, thu hẹp khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như gia đình.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thăm, tặng quà cho phụ nữ yếu thế.
Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng: Hiện đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn của tỉnh có 41 nữ giáo sư, phó giáo sư; gần 350 nữ tiến sĩ; gần 900 nữ thạc sĩ. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp gần đây, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ngày càng tăng. Nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2005-2010, Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 10,4% nữ giới; đến nhiệm kỳ 2015-2020 tăng lên 11,32%; cấp huyện từ 13,25% lên 20,11%; cấp xã từ 18,35% lên 24,35%. Bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2006-2011, đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 23,88% là nữ, đến nhiệm kỳ 2016-2021 tăng lên 33,33%; cấp huyện từ 25,74% lên 27,73%; cấp xã từ 20,54% lên 24,68%. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh có hàng nghìn lượt phụ nữ được hỗ trợ nâng cao năng lực làm công tác quản lý, như tham gia các hội thảo về “Thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý; kỹ năng chuẩn bị chương trình hành động cho nữ ứng viên HĐND các cấp.
Thực tế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ đã luôn thể hiện được vai trò, khả năng của mình, nhanh chóng thích nghi, tiến kịp xu thế phát triển chung của đất nước. Để đạt được điều đó, nhiều phụ nữ đã không ngừng tự học, tự rèn, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm sống, làm việc trách nhiệm, thể hiện khả năng tự lập và dám đối mặt với áp lực cuộc sống để vươn lên. Đã có hàng nghìn mô hình kinh tế gia đình do phụ nữ làm chủ. Rồi các mô hình sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ; các hợp tác xã nông sản an toàn; cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn. Nhiều phụ nữ được cơ quan chức năng hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề, tạo việc làm. Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được địa phương tín chấp cho vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong 10 năm gần đây, có hơn 8.600 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được các cấp hội giúp đỡ đã thoát nghèo.
Có một nửa bầu trời không bao giờ yên lặng, đó là một nửa của thế giới này luôn vận động, vượt lên. Nhìn bề ngoài của một nửa bầu trời ấy vẻ như yếu mềm, nhưng chất chứa ở đó muôn niềm yêu thương. Và chỉ có tình yêu thương từ một nửa kia hợp lại, cuộc đời mới tròn trịa. Mang tên gọi phái yếu, song cuộc sống là cả một gánh nặng đặt lên vai, đi theo suốt cuộc đời. Chính vì thế mà mỗi phụ nữ đều tự biết sắp xếp công việc gia đình, xã hội sao cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ là “trụ cột chính trong gia đình”. Họ phải bươn chải với các hoạt động bên ngoài xã hội, phải làm việc thậm chí còn nhiều hơn các đấng mày râu, nhiều khi cứng rắn như sắt đá. Song lúc trở về nhà, họ là người con dâu hiếu thảo với cha mẹ, người vợ chung thủy với chồng, người mẹ hiền của các con, là người bà phúc hậu. Các ứng xử khéo léo của người phụ nữ tạo dựng được môi trường gia đình ấm êm hòa thuận. Thời hiện đại, họ có thể vừa là người xây nhà, đồng thời là người xây tổ ấm.
Ở thời đại công nghệ 4.0, phụ nữ có nhiều hơn những cơ hội học tập, cống hiến. Và dù ở hoàn cảnh nào, phụ nữ cũng khéo léo vượt lên, tỏa sắc hương nhẹ nhàng như một hiến dâng cho cuộc đời bằng những việc làm thiết thực.