Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ ngoài trời ở mức 38-40 độ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người lao động phải mưu sinh ngoài trời. Để đảm bảo công việc, người lao động đã có các giải pháp ứng phó, thích nghi.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, thời điểm lúa xuân chín rộ cũng là lúc bà con nông dân trong tỉnh tất bật với việc thu hoạch và chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Đây cũng là lúc thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Để kịp thời vụ sản xuất và bảo vệ sức khỏe, bà con nông dân đều chọn cách ra đồng từ sáng sớm và chiều muộn. Bà Trần Thị Thúy, nông dân xóm Múc, xã Úc Kỳ (Phú Bình) chia sẻ: Nhà tôi có 5 sào lúa thì 2 sào phải gặt tay nên phải ra đồng từ 5 giờ, gặt đến 7 giờ xong là mang thóc về sân phơi nắng. Do cả cánh đồng rộng mênh mông không một bóng cây nên tôi chọn làm vào lúc trời dịu nắng nhất.
Làm nông đã nhọc nhằn, cơ cực nhưng những người làm công việc như xe ôm, ship (giao hàng) hay thợ xây, lao động công trình… cũng vất vả không kém, họ hàng ngày, hàng giờ vẫn phải gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, một shipper đồ ăn nhanh tại T.P Thái Nguyên cho biết: Kể từ khi tỉnh ta có 3 ca nhiễm COVID-19, các cửa hàng chuyển sang kinh doanh online nên công việc của tôi bận rộn hơn trước, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng khi người dân ngại ra đường.Vì là đồ ăn, thức uống nên tôi phải làm việc không kể thời tiết, giờ giấc, cứ có đơn là đi, tùy xa, gần mà tôi được trả 10-15-20 nghìn đồng/đơn.
Trong những ngày nắng nóng, shipper thường xuyên phải di chuyển trên đường do đặc thù của công việc.
Trời thì nắng, hơi nóng từ mặt đường tỏa ra bỏng rát người, vì thế tôi phải tính toán cung đường đi nhanh nhất, ngắn nhất và phải gọi điện hẹn khách nhận hàng đúng giờ, tránh đi lại mất công. Ngoài ra, để bảo đảm sức khỏe, tôi phải chuẩn bị thêm áo chống nắng, găng tay, khẩu trang, thêm bình nước mát để uống khi phải di chuyển dưới trời nắng nóng…Còn với chị Dương Thị Nguyệt, làm phụ xây ở công trình xây dựng khu dân cư tại xã Xuân Phương (Phú Bình) thì lựa chọn cách điều chỉnh giờ làm. Chị Nguyệt cho hay: Nóng như đổ lửa nên ngoài việc trang bị đồ bảo hộ, đội thợ chúng tôi chủ động làm sớm hơn, nghỉ muộn hơn. Nếu như trước đây buổi sáng tôi làm từ 7 giờ đến 11 giờ, thì nay tôi bắt đầu công việc từ 5 hoặc 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa. Buổi chiều từ 15, 16 giờ đến 19 giờ. Mỗi ca làm việc nghỉ giải lao 15 phút, hôm nào nắng quá thời gian nghỉ sẽ dài hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng ăn bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, uống các loại nước lá mát, thanh nhiệt.
Không riêng những lao động tự do mà những công nhân làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, đơn vị đặc thù cũng phải oằn mình chống chịu sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng để hoàn thành nhiệm vụ. Anh Nguyễn Anh Giang, công nhân Đội Quản lý vận hành- Điện lực Phú Bình chia sẻ: Thời tiết nắng nóng nên thường hay xảy ra sự cố chập cháy điện, do vậy chúng tôi đã chủ động đi kiểm tra lưới điện tại hiện trường từ sáng sớm nhằm kịp thời phát hiện, sửa chữa, thay các áp bị hỏng. Vất vả nhất là những lần sự cố xảy ra vào giữa trưa, chiều nắng nóng, chúng tôi cũng đều lên đường làm nhiệm vụ.. Vào mùa này, anh em chúng tôi chú ý bổ sung thêm khoáng chất, nước điện giải để bù nước, tăng cường sức khỏe.
Có thể thấy rằng, dù làm công việc gì, ở ngành nghề nào, việc phải lao động ngoài trời nắng nóng là rất vất vả và gây hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, các chuyên gia về Y tế đã khuyến cáo: Trong khoảng thời gian từ 10 giờ trưa đến 15 giờ chiều là đỉnh điểm tác động của tia cực tím, vì vậy người dân nên hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt đối với trẻ em. Những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc hợp lý; hạn chế làm việc trong thời gian dài hoặc liên tục ở trong môi trường nhiệt độ cao. Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc ngoài trời thì cần sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp; sau khoảng 30 phút đến 1 giờ nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát; cần uống nước đều đặn, uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc. Nếu có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều phải lập tức ngừng làm việc, tìm nơi mát mẻ, thoáng gió, uống nước và nghỉ ngơi. Các trường hợp nặng phải đến cơ sở y tế gần nhất.