Đáp đền ơn nghĩa

09:48, 27/07/2021

Toàn tỉnh hiện có hơn 130.000 NCC được công nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi NCC. Với một tỉnh có dân số khoảng 1,3 triệu người như Thái Nguyên thì đó là niềm vinh quang, nhưng cũng là niềm đau khôn nguôi của thời hậu chiến. Bởi lẽ ấy: Việc tri ân, đáp đền ơn nghĩa với NCC và thân nhân NCC được xuất phát từ trái tim mỗi con người.

Thời gian có thể khỏa lấp những nỗi đau chiến tranh hằn in trên mặt đất, nhưng vẫn chất chứa thẳm sâu trong lòng người một khắc khoải khôn nguôi. Nhất là vào những ngày tháng Bảy, nhắc nhớ mỗi người cần biết tỏ lòng thành kính, tri ân NCC. Bởi đó là một truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” của con dân đất Việt.

Trên hành trình phát triển cùng cả nước, dù ở hoàn cảnh nào, Thái Nguyên cũng luôn quan tâm, coi trọng công tác NCC. Thể hiện cao nhất là các hoạt động quan tâm chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ gia đình NCC phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với NCC; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng và hiện là phong trào nhận đỡ đầu, giúp đỡ các hộ nghèo có thành viên là NCC.

Theo số liệu của Sở Lao động - TBXH: Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh có gần 157.000 lượt NCC được hưởng trợ cấp hằng tháng; hơn 44.000 lượt NCC được nhận trợ cấp một lần. Để gia đình có thành viên là NCC giảm bớt khó khăn, tỉnh thực hiện hỗ trợ tiền ăn thêm dịp Lễ, tết cho gần 800 lượt người là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 32.000 lượt NCC được điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Riêng năm 2020 có hơn 6.200 người, trong đó điều dưỡng tập trung gần 2.000 người; điều dưỡng tại nhà hơn 4.300 người.

Ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công cho biết: Trung tâm chăm sóc, phục vụ khoảng 2.000 NCC/năm. Trong thời gian điều dưỡng, NCC được thăm khám sức khỏe, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, đi tham quan Lăng Bác hoặc 1 điểm du lịch trong, ngoài tỉnh.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27/7, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) mỗi năm đón hàng nghìn lượt nhân dân, du khách đến dâng hương, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Chúng tôi được biết thêm: 3 năm gần đây, toàn tỉnh có gần 2.000 lượt NCC được cấp dụng cụ chỉnh hình, trong đó năm 2020 có 436 trường hợp là thương binh, bệnh binh.  Gần 109.000 lượt NCC được hỗ trợ thẻ BHYT; hơn 34.000 lượt NCC được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; gần 332.000 lượt NCC được hỗ trợ khám, chữa bệnh.

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi cho 215 trường hợp làm các thủ tục cần thiết để cơ quan chức năng quyết định trợ cấp theo quy định, trong đó 176 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 25 con đẻ của NCC và 14 thương binh.

Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh có hơn 8.400 hộ NCC khó khăn về nhà ở, đất ở được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 236 tỷ đồng; hơn 2.400 lượt đối tượng là con NCC đang theo học tại cơ sở giáo dục, đào tạo được hỗ trợ với tổng số tiền 8 tỷ 240 triệu đồng.

Để tạo thêm nguồn lực cho công tác NCC, ngoài kinh phí hỗ trợ, trợ cấp của Trung ương, của tỉnh, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ được bình quân 7 tỷ đồng/năm.

Thông qua nguồn quỹ xã hội hóa, từ năm 2017 đến nay, tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 56 hộ có thành viên là NCC, trong đó 14 hộ làm nhà ở mới, 42 hộ sửa nhà ở với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. 100% số nhà được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa đảm bảo đúng tiêu chí “3 cứng”.

Chính quyền địa phương, nhân dân còn tham gia quyên góp, hỗ trợ hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ gia đình NCC ổn định cuộc sống. Ban Quản lý Quỹ cũng đã trích hàng tỷ đồng cho công tác chăm sóc NCC, như: Thăm hỏi tặng quà NCC; hỗ trợ đột xuất NCC gặp rủi do, bị bệnh nặng; hỗ trợ NCC phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Thương binh Lê Quang Hòa (ngoài cùng bên trái), xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) trao đổi cùng hội viên CCB kinh nghiệm vỗ béo trâu bò.

Trong ngôi nhà xây khang trang còn tươi màu sơn, thương binh, nạn nhân chất dộc da cam Hoàng Văn Sinh, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho biết: Gia đình tôi được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin Phú Lương hỗ trợ 50 triệu đồng. Anh em họ mạc, Bạn đồng ngũ, bà con chòm xóm giúp đỡ thêm, tôi đã được an cư trong ngôi nhà mới xây chắc chắn.

Chuyện đáp đền ơn nghĩa, ông Bàn Phúc Quang, Trưởng Phòng NCC (Sở Lao động - TBXH) nói: Nhiều NCC và thân nhân NCC luôn tích cực vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương mẫu mực trong cộng đồng dân cư. Ví như năm 2020 Nhà nước hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có gần 17.500 NCC, thân nhân NCC, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 26 tỷ đồng. Giữa khó khăn, nhiều NCC đã tự nguyện dành phần tiền hỗ trợ của mình để giúp đỡ người còn có hoàn cảnh khó khăn hơn, như thương binh Lê Quang Hòa, xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công).

Từ triển khai đồng bộ các giải pháp chăm sóc NCC, đến nay gần 100% gia đình NCC trên toàn tỉnh đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cu trú. 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, NCC…

Tất cả mọi hành động tri ân, đáp đền ơn nghĩa, chăm sóc NCC được xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một nghĩa cử cao đẹp, nhân văn đã thẩm thấu sâu đậm trong trái tim mỗi người dân, trở thành một nét đẹp văn hóa đang ngày một lan tỏa thành phong trào rộng khắp; khuyến khích NCC vượt lên khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống gia đình cách mạng, gương mẫu trước các phong trào địa phương.