Phú Bình: Lúng túng trong xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

12:29, 09/10/2021

Phú Bình có gần 20.000ha đất nông nghiệp. Tùy vào diện tích của từng cánh đồng mà các xã, thị trấn bố trí bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (bao bì thuốc) sao cho phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, sau một thời gian sử dụng, nhiều bể thu gom đã đầy, một số địa phương còn lúng túng chưa biết xử lý loại chất thải này như thế nào hoặc xử lý nhưng chưa đúng theo quy trình, quy định.

Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết: Trước đây, sau khi pha chế thuốc bảo vệ thực vật xong, bà con thường vứt ra cánh đồng, đường nội đồng. Trước thực trạng trên, năm 2018, chúng tôi đã lấy ý kiến người dân ở các xóm và đặt 40 bể thu gom bao bì tại các cánh đồng. Cùng với đó, xã thành lập tổ thu gom gồm 116 thành viên tuyên truyền để bà con vứt bao bì thuốc đúng nơi quy định; tiến hành thu gom bao bì còn vương vãi tại các cánh đồng 1 lần/tháng rồi cho vào bể thu gom. Nhờ đó, tình trạng bao bì thuốc vứt bừa bãi đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã có trên 50% số bể chứa bao bì thuốc của xã đã đầy. Vì đây là loại rác thải nguy hại, phải được xử lý riêng nên chúng tôi cũng chưa có phương án xử lý với lượng rác thải này.

Còn tại xã Thanh Ninh, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã thẳng thắn chia sẻ: Năm 2015, để hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đặt 67 bể thu gom bao bì thuốc tại cánh đồng của 14 xóm. Đến năm 2017, một số bể chứa đầy, xã đã chỉ đạo các xóm thu gom rồi tập kết về điểm tập kết rác thải của xã để xe chở rác chuyên dụng chuyển đi cùng với rác thải sinh hoạt… Chúng tôi thấy cách xử lý này chưa phù hợp.  

Trao đổi vói chúng tôi về vấn đề trên, ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Để các xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trước đó chúng tôi đã phối hợp với các địa phương, tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn bà con thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ bao bì thuốc đã qua sử dụng theo Thông tư liên tịch ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều bể thu gom đã đầy. Chúng tôi mới chỉ nhận được ý kiến đề nghị hướng dẫn xử lý của xã Dương Thành. Đối với những xã còn lại, chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản ánh. Trước thực trạng này, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện, phối hợp với các xã, tổ chức, đoàn thể và Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng (đơn vị xử lý chất thải ở thị trấn Hương Sơn) hướng dẫn bà con phương án xử lý sao cho đúng quy trình, quy định trong thời gian tới trên cơ sở các địa phương phải chủ động nguồn kinh phí.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng các bể thu gom bao bì thuốc tại các cánh đồng trên địa bàn huyện Phú Bình nhưng có thể thấy rằng, thời gian qua các bể chứa đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn. Tuy nhiên, việc thu gom loại chất thải này phải đi đôi với công tác xử lý, đảm bảo đúng quy trình bởi đơn vị có đủ năng lực thực hiện, tránh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất tại khu vực; gây hại cho động, thực vật… Bởi thế, các cơ quan chuyên môn của huyện cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương không bị lúng túng trong việc xử lý hoặc xử lý chưa đúng theo quy trình.