Doanh nghiệp khai khoáng ‘ngóng’ hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19

12:37, 03/12/2021

Nghị quyết của Chính phủ đã giao các bộ báo cáo trong tháng 9 về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn "ngóng", trong khi ngành Thuế vẫn giục thu.

Các doanh nghiệp trong ngành khai khoáng cho hay, hầu hết các ngành khác đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của COVID-19 thì chính sách lớn nhất cho khối này là giãn nộp tiền cấp quyền khai khoáng vẫn chưa được thực hiện dù Chính phủ đã có chủ trương.

Đã trễ hẹn hơn 2 tháng

Hiệp hội Địa chất khoáng sản vừa có văn bản gửi Thủ tướng liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 theo Nghị quyết 105 của Chính phủ.

Theo Nghị quyết 105, Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trong tháng 9 về việc gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tuy nhiên, hiệp hội cho hay, đã quá hạn hơn 2 tháng, song các văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, trong khi cơ quan thuế có văn bản đốc thúc các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác vì đã quá hạn theo lệ thường và nhấn mạnh doanh nghiệp nộp chậm phải tự tính toán số chậm nộp là 0,03%/ngày.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, hiệp hội cho biết việc giãn cách xã hội vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu. Do đầu ra bị ảnh hưởng dẫn đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp gần như không có hoặc giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc giãn cách cũng khiến cho lực lượng lao động trong ngành này bị thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao tại một số doanh nghiệp.

“Khác với các loại thuế phí khác phải nộp theo chi phí hàng năm phát sinh, việc thu tiền cấp quyền khai thác phải hoàn thành sớm trong thời hạn nửa đầu thời hạn cấp phép, do đó số tiền phải nộp hàng năm đã là chi phí lớn, tạo áp lực tài chính cho các doanh nghiệp trong ngành này, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn về dòng tiền để phục hồi sản xuất như hiện nay”, báo cáo phản ánh và lo ngại rằng, trong giai đoạn này, việc phải nộp ngay số tiền cấp quyền khai thác trong khi doanh thu không có hoặc giảm sút nghiêm trọng sẽ dẫn đến một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương và hàng nghìn lao động của các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Do đó, hiệp hội đề nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan báo cáo Chính phủ về việc này theo yêu cầu của Nghị quyết 105 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã và đang khó khăn, thậm chí sẽ bị ảnh hưởng trong một số năm tới bởi đại dịch COVID-19.

"Sẽ sớm báo cáo"

Theo Bộ TN-MT, trong hơn 5 năm qua, số tiền cấp quyền khai thác mà các doanh nghiệp phải nộp vào khoảng 4.500 - 5.000 tỉ đồng mỗi năm, trong đó, nhiều nhất là các doanh nghiệp ngành than, xi măng, quặng…

Ông Đào Chí Biền, Phó cục trưởng điều hành Cục Kinh tế địa chất và khoáng sản (Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ TN-MT), cho hay Bộ TN-MT đã có văn bản lấy ý kiến các bộ Tài chính, Tư pháp từ tháng 10 và vừa nhận đủ ý kiến trở lại chỉ cách đây 2 ngày và Bộ sẽ sớm báo cáo cấp có thẩm quyền.

Theo ông Biền, khoảng 85% số tiền phải nộp hàng năm là thuộc các doanh nghiệp Nhà nước, nên số này “không kêu mà chỉ có một số khác”. Dù vậy, Bộ cũng đang xem xét kỹ các yếu tố để xác định doanh nghiệp nào, ở địa phương nào thuộc đối tượng được giãn theo các tiêu chí tại luật Quản lý thuế.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho biết thêm, Bộ TN-MT đang dự kiến 2 phương án, là có thể giãn cho doanh nghiệp 6 tháng hoặc 1 năm. “Chúng tôi dự kiến thời gian áp dụng từ 1.1.2022. Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền quyết định là giãn số phải nộp trong năm 2021 thì các doanh nghiệp đã nộp sẽ được khấu trừ khi tính số tiền phải nộp của năm 2022”, ông Kiên nói.

Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp cho hay, số tiền phải nộp đối với nhiều doanh nghiệp khá lớn, từ vài chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng, trong khi khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nói chung hiện nay là dòng tiền do ngừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng bởi dịch.

“Nếu việc gia hạn này thực hiện cho khoản phải nộp trong năm 2021 thì đã quá thời hạn 31.10 của ngành thuế, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên doanh nghiệp rất băn khoăn. Cục thuế ở địa phương vẫn đang thúc giục, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp, nhất là về tài chính vốn đang rất khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.