Đi tìm hơi thở cuộc sống

08:54, 20/06/2022

Thời đại của công nghệ số, mọi việc diễn ra trong cuộc sống thường ngày hay được người dân đưa lên mạng xã hội. Với nhiều người, sự việc sẽ bị trôi đi trên "xa lộ" thông tin; nhưng với phóng viên, đó lại là cơ hội tốt để phát hiện đề tài báo chí. Bởi đó chính là hơi thở cuộc sống cần được sàng lọc, phản ánh chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các hiện tượng, sự việc trong xã hội đang diễn ra, đã xảy ra, sắp xảy ra đều có thể trở thành đề tài báo chí hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc. Nhưng để các hiện tượng, sự việc trở thành đề tài báo chí hay, ngoài lòng yêu nghề còn đòi hỏi phóng viên phải có năng lực, trình độ, khả năng phân tích, phán đoán nhanh để lập tức thâm nhập cuộc sống.

Phóng viên khi phát hiện để tài, lập tức nhập cuộc để khai thác thông tin, đi đến tận cùng vấn đề và phản ánh nhanh, chính xác trên mặt báo.  

Hiển nhiên một bài báo hay, ấn tượng với bạn đọc trước nhất phải có đề tài hấp dẫn. Đề tài tĩnh được khai thác trên các báo cáo của tỉnh, của các ngành, địa phương; thuận hơn là các báo cáo chuyên đề về một lĩnh vực nào đó theo từng giai đoạn...

Đề tài động là sự việc, sự kiện đang diễn ra trong xã hội, phóng viên nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được; rồi thông qua cuộc họp HĐND các cấp, ý kiến cử tri, dư luận xã hội… Đặc biệt, qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtobe, Twiter, Instagram, Google plus… mọi thông tin được hiển thị ngồn ngộn, phóng viên thỏa sức kiếm tìm, khai thác.

Phóng viên có nghề thì không bao giờ bí đề tài. Nhưng quan trọng là cách lựa chọn đề tài, tiếp đến là dấn thân, thâm nhập thực tế, đi đến tận cùng để khai thác thông tin phục vụ cho bài viết.

Đương nhiên mỗi phong viên lại có cách nhìn nhận đề tài khác nhau. Cách nhìn nhận giản đơn nhất là xuôi chiều, ai cũng thấy. Viết không sai, nhưng có thể thấy các bài viết của nhiều tác giả na ná giống nhau, dẫn đến nhàm chán. Ví như các vụ việc tiêu cực xã hội xảy ra trên địa bàn của tỉnh trong những năm gần đây liên quan  đến bạo lực gia đình; ô nhiễm môi trường; buôn bán ma túy; tham nhũng…, hầu hết các bài viết được phóng viên phản ánh trung thực, nhưng mới nói được phần bề nổi. Giá như phóng viên đi sâu vào “phần chìm của tảng băng trôi”, sẽ khám phá được phía sau mỗi góc khuất những bí ẩn nào đó, để trả lời cho bạn đọc đầy đủ nhất về câu hỏi tại sao?

Nhà báo Nguyễn Tố Việt Hương (ngoài cùng bên trái), Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, với thân nhân liệt sĩ Đại đội 915 Bắc Thái.

Bản chất của báo chí là thông tin. Bản năng của phóng viên là nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Hơn nữa, xã hội số càng đòi hỏi phóng viên đáp ứng "ngay và luôn".

Áp lực công việc đòi hỏi thông tin ấy được phản ánh hấp dẫn, nhân văn chứ không phải giật gân nhằm mục đích câu view. Một thách thức đối với phóng viên là trước một sự việc, sự kiện đòi hỏi phải có cách nhìn nhận riêng, cách thể độc đáo không giống ai. Đó cũng là cách phóng viên thể hiện được bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, qua đó khẳng định được tên tuổi riêng của mình trong làng báo chí và trong lòng bạn đọc.

Với mỗi phóng viên, hơi thở cuộc sống chính là đề tài báo chí. Đề tài báo chí hay, giản đơn là câu chuyện được dư luận quan tâm. Và không nhất thiết gắng gượng, giật gân, mà thực tế minh chứng đề tài ở mảng miếng chân, thiện, mĩ luôn làm xúc động lòng người. Khơi dậy trong lòng người sự hướng thiện, và từ đó nảy sinh những hành động nhân ái, lan tỏa, thôi thúc mọi người đoàn kết vươn lên, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau để có cuộc sống tốt hơn về vật chất, tinh thần.

Xã hội số - Việc phóng viên tìm kiếm một đề tài mới, chưa ai từng khai thác là một thách thức lớn. Nhưng thách thức lớn hơn đối với phóng viên là việc tìm đề tài mới ngay trong những điều đã cũ.

Khó đấy, nhưng sẽ làm được nếu phóng viên biết tiếp cận ở góc độ mới, có cách thể hiện mới, không lặp lại ý tưởng của người đi trước, tự tìm tòi, phát hiện được chi tiết độc, đắt phục vụ cho bài viết. Bằng giải pháp này, phóng viên thỏa sức “bay” trong bầu trời với hằng hà sa số đề tài báo chí.