Kinh tế báo chí trước thách thức từ mạng xã hội

10:27, 20/06/2022

Truyền thông mạng xã hội (MXH) đang là thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí cả về tốc độ, nội dung thông tin và phát triển doanh thu quảng cáo. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như vậy, vấn đề đặt ra lớn nhất hiện nay là giải pháp, hướng đi nào cho thị trường kinh doanh báo chí, nhất là báo chí địa phương?

Chị Đoàn Thị Thu Trang, chủ một nhà hàng tại TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Từ khi khai trương nhà hàng (năm 2017) đến nay, toàn bộ chi phí quảng cáo của nhà hàng đều “đổ” vào MXH, chủ yếu là Facebook. Theo chị Trang, lý do chị lựa chọn MXH để quảng cáo bởi bản thân chủ động được về nội dung, phương pháp giản tiện, giá cả phù hợp với nhu cầu và quan trọng nhất là hiệu quả. Nhà hàng của chị tăng doanh số ngay sau khi chạy quảng cáo trên MXH.

Những chia sẻ của chị Trang cũng là câu chuyện của phần lớn những người kinh doanh nhỏ lẻ khi lựa chọn phương thức quảng cáo. Bản thân họ luôn dành hầu hết kinh phí của mình cho quảng cáo trên MXH. Vậy nên, trước đây, các cơ quan báo chí có nguồn thu từ mục đăng tin quảng cáo của nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh nhỏ, thì nay không còn nữa. Thêm vào đó, sức hút từ MXH cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn phải cân đối, dành nguồn kinh phí không nhỏ để quảng cáo trên nền tảng này. Qua đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, khó khăn đối với việc khai thác quảng cáo của các cơ quan báo chí.

Theo thống kê, các MXH như Facebook, hay công ty công nghệ như Google đang chiếm một phần rất lớn doanh thu quảng cáo trên toàn thế giới (ở Việt Nam tỷ lệ này là trên 80%). Đặc biệt, sự cạnh tranh gay gắt từ MXH, truyền thông mới và ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến doanh thu năm 2020, 2021 của nhiều cơ quan báo chí trên cả nước bị sụt giảm đến 70% so với năm 2019. Năm 2020, riêng khối phát thanh, truyền hình trên toàn quốc đạt doanh thu gần 9.500 tỷ đồng và chủ yếu nguồn thu đến từ các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (trên 5.700 tỷ đồng, giảm 4% so với 2019).

“Báo Thái Nguyên đã liên tục cải tiến, nâng cấp báo điện tử, hiện đại hóa quy trình sản xuất, tận dụng MXH nhằm lan tỏa thông tin báo chí. Hoạt động này đã mang lại tín hiệu tích cực, ngày càng nhiều độc giả tiếp cận, tương tác và tin tưởng đặt hàng tuyên truyền, quảng cáo”.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên

Đối với các cơ quan báo chí của tỉnh, gồm: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, theo tính toán sơ bộ, nguồn thu từ tuyên truyền, quảng cáo đóng góp được một phần kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể, nguồn thu từ tuyên truyền, quảng cáo hiện đáp ứng được gần 40% nhu cầu chi thường xuyên của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên; con số này là khoảng 17% đối với Báo Thái Nguyên. Ngoài ra, một cơ quan báo chí nữa của tỉnh là Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên thì nguồn thu từ tuyên truyền, quảng cáo không đáng kể. 

Những thông tin nóng, vấn đề thời sự luôn được Báo Thái Nguyên cập nhật kịp thời nhằm thu hút độc giả, từ đó góp phần tăng nguồn thu từ quảng cáo. Trong ảnh: Phóng viên Báo Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại tuyến đầu chống dịch COVID-19, tháng 2-2022.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, cho biết: Mặc dù đã vươn lên tốp đầu các tỉnh phía Bắc có số thu sự nghiệp cao, song Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên cũng mới chỉ bảo đảm tự chủ chi thường xuyên được gần 40%. Đài vẫn luôn đặt mục tiêu tăng nguồn thu, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ MXH, việc phát triển nguồn thu sự nghiệp của Đài đang ngày càng khó khăn gấp bội.

Làm thế nào để giải “bài toán khó" về tăng nguồn thu luôn là nỗi trăn trở của các cơ quan báo chí hiện nay, nhất là báo chí địa phương. Thời gian qua, nhiều hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức và không ít giải pháp được đưa ra để thực hiện đa mục tiêu của các cơ quan báo chí. Trong đó, vấn đề quan thiết nhất được nêu là nâng cao chất lượng thông tin theo kịp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, bảo đảm tính khách quan, chân thật và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đồng thời, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo công chúng. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, khẳng định: Báo Thái Nguyên là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là diễn đàn của nhân dân nên cũng như các cơ quan báo chí chính thống khác, nhiệm vụ chính trị vẫn là hàng đầu, quan trọng nhất, không thể vì doanh thu mà nội dung đăng tải đi chệch hướng tôn chỉ, mục đích đề ra. Song hành với nhiệm vụ chính trị, Báo Thái Nguyên đã tự thay đổi, làm mới mình, đưa nội dung thông tin vừa trung thực, khách quan, đúng bản chất, vừa hấp dẫn, thu hút thị hiếu của công chúng.

Phải thừa nhận rằng, với tầm “phủ sóng” rộng khắp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xu thế “báo chí công dân” - mọi người đều có thể sản xuất tin tức và truyền tải trên MXH - do đó các cơ quan báo chí rất khó cạnh tranh về tốc độ so với phương thức truyền thông trên MXH. Để thích ứng, các cơ quan báo chí đã buộc phải “bắt tay”, tận dụng ưu thế, lập các Fanpage Facebook, tài khoản Tiktok để vừa chuyển tải thông tin theo cách tiếp cận mới, vừa tiếp nhận phản hồi nhanh chóng. Thông tin báo chí đưa trên MXH theo tiêu chí nhanh nhưng chính xác, đa chiều và đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Việc sản xuất theo xu hướng mới cũng đòi hỏi các cơ quan báo chí tiệm cận với phương thức hoạt động của một doanh nghiệp truyền thông. Trên thực tế, các cơ quan báo chí cũng đã đổi mới quy trình sản xuất, phương thức quản trị, đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại và đào tạo nhân lực… Tuy nhiên vẫn rất khó để cạnh tranh, “kéo lại” nguồn thu tuyên truyền, quảng cáo từ MXH. Vậy nên để có thêm nguồn lực phát triển, các cơ quan báo chí rất cần cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng. Đơn vị chủ quản nên tạo tối đa các điều kiện theo quy định của pháp luật để các cơ quan báo chí phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình.