Tháng Bảy nghĩa tình, tháng của sự tri ân, nhớ về nguồn cội, về những ký ức hào hùng, bất khuất của dân tộc và cả những đau thương, mất mát bởi chiến tranh. Trân trọng giá trị của nền độc lập, mỗi chúng ta càng thêm cảm phục và biết ơn những người mẹ đã nén đau thương, gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi liên hệ trước để hỏi thăm nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thái, ông Lê Văn Hà, Trưởng xóm Trại Cang, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) nhiệt tình chỉ đường và không quên dặn rằng, Mẹ hay ra vườn bãi nên thường buổi trưa hay chiều muộn mới có ở nhà.
Hôm chúng tôi đến, Mẹ Thái đang tất bật thu hoạch lạc. Khu vườn có bàn tay chăm sóc của Mẹ trở nên xanh mát với nhiều loại cây ăn quả (như bưởi, ổi, hồng xiêm, đu đủ) cùng các loại rau, vừng, lạc... Ở tuổi ngoài 80, tóc đã ngả trắng màu thời gian, nhưng Mẹ Thái vẫn khá hoạt bát, nụ cười phúc hậu luôn thường trực. “Mẹ làm việc để rèn sức khỏe. Mẹ trồng mỗi thứ một ít để làm quà cho các con, cháu mỗi khi về thăm” - Mẹ chia sẻ với chúng tôi.
Người con trai duy nhất của Mẹ - anh Nguyễn Xuân Thanh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường nước bạn Campuchia, nên hiện tại Mẹ Lê Thị Thái ở một mình trong căn nhà nhỏ, sát bên cạnh là nhà em dâu và các cháu. Mẹ xúc động kể: Tôi với ông nhà bén duyên nhưng chưa kịp tổ chức lễ cưới thì ông nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Ở hậu phương, tôi có bầu và làm mẹ năm 1962. Một mình nuôi con vất vả, ba năm sau, tôi nhận tin sét đánh là ông ấy hy sinh tại mặt trận Bình Định. Một phần vẫn nuôi chút hy vọng mong manh, phần nữa là lo phụ trách lớp học vỡ lòng ở xã nên bản thân tôi không cho phép mình buồn, chỉ lặng lẽ xé tấm khăn trắng đút vào túi áo và tiếp tục công việc.
Sống một mình nhưng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thái, ở xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) luôn lạc quan, chăm sóc khu vườn nhỏ quanh năm xanh tốt.
Chờ đợi chẵn 10 năm, đến khi đất nước thống nhất, Mẹ Thái mới quyết định đi bước nữa. Năm 1979, anh Thanh khi đó mới 17 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Khi anh đi, Mẹ chỉ dặn: “Bố con đã hy sinh vì dân, vì nước, giờ con tiếp bước lên đường, phải làm sao cho xứng đáng”. Anh cười tươi, nói: Con đi mấy năm rồi về lấy vợ và đẻ cho u một đàn cháu, u tha hồ mà bế”. Nhưng lời hứa đó mãi mãi không thành hiện thực, anh Thanh đã hy sinh trên chiến trường nước bạn Campuchia năm 1981…
Với Mẹ Chu Thị Đỉnh, ở tổ dân phố Trung Lâm, phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên), thật khó để nói hết nỗi đau khi con rể và 2 người con thứ của Mẹ là các anh Tạ Văn Đủng, Tạ Văn Cõn đã nằm lại nơi chiến trường. Ở tuổi 103, những lời của Mẹ Đỉnh giờ bảng lảng như sương khói, câu chuyện đôi khi không đầu không cuối khiến người nghe phải cố suy luận mới hiểu.
Hôm chúng tôi đến thăm, Mẹ Đỉnh đang chống gậy đi từ nhà cháu nội bên cạnh trở về. Gặp khách, dù không biết người lạ hay quen, nhưng Mẹ vẫn nở nụ cười đôn hậu, rồi vồn vã dắt tay mời vào nhà uống nước. Ông Tạ Quang Tình, con trai thứ 4 của Mẹ, kể: Mỗi lần có ai đến thăm, ngồi trò chuyện, cụ đều rất vui. Chuyện kể thì đủ thứ, lúc khoe chiếc ti vi mới có nhiều chương trình hay, lúc lại nói chuyện ăn sáng món gì, rồi đi chơi nhà các cháu ra sao… Đôi lúc như sực nhớ, Mẹ lại kể về các anh, rồi hỏi dạo này chúng nó có viết thư về không? Có một điều đặc biệt là mặc dù tuổi đã cao, răng rụng gần hết nhưng Mẹ Đỉnh vẫn giữ thói quen ăn trầu, nghe dân ca quan họ và uống nước chè xanh...
Hiện nay, trên địa bàn TP. Phổ Yên chỉ còn 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, trường hợp còn lại mà chúng tôi muốn nhắc đến là Mẹ Tạ Thị Trần, 89 tuổi, ở tổ dân phố Hảo Sơn, phường Tiên Phong. Vượt qua những đau thương, mất mát, các Mẹ đã tiếp tục kiên cường sống, nuôi dạy những người con còn lại và cống hiến sức mình cho xã hội. Ở tuổi xế chiều, các Mẹ đang được sống vui vầy, thanh thản trong sự chăm sóc và tình yêu thương của con cháu cùng cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần...
Trong không khí cả nước kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mỗi người Việt Nam dường như đều sống chậm lại, sâu lắng hơn để trân trọng giá trị thiêng liêng của nền độc lập, tự do của Tổ quốc từng được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh; để chiêm nghiệm về đức hy sinh, lòng biết ơn... Và xin được tri ân sâu sắc những người Mẹ đã vì nước hy sinh cả cuộc đời!