Đưa các anh về yên nghỉ nơi quê nhà

10:23, 26/07/2022

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó nỗi đau, khi còn nhiều Anh hùng liệt sĩ chưa tìm thấy được hài cốt để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, để người thân và nhân chăm lo, thờ phụng. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến đông đảo nhân dân và lực lượng vũ trang về công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã và đang được các ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, bài bản… 

Trong tổng số 10.821 liệt sĩ của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều trường hợp chưa tìm thấy phần mộ hoặc đã được quy tập về nghĩa trang nơi liệt sĩ hy sinh nhưng xa quê hương. Những người làm công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh hàng ngày đều mong mỏi nhận được thông tin về việc tìm thấy hài cốt các liệt sĩ, khi xác định được phần mộ liệt sĩ hoặc tìm thấy hài cốt có dấu tích, vật chứng xác định là người Thái Nguyên là ngay lập tức cơ quan chức năng thực hiện các quy trình, thủ tục để đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. 

Thượng tá Phan Quyết Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) thông tin: Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua, đơn vị chức năng đã tìm kiếm, đưa được nhiều hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn có những liệt sĩ chưa rõ phần mộ, do đó thân nhân và chính quyền các địa phương vẫn đang nỗ lực tìm kiếm để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Việc chưa tìm được hài cốt liệt sĩ để quy tập về nghĩa trang quê hương vẫn là nỗi day dứt, tiếc thương của nhiều gia đình. Ông Đặng Văn Chín, ở xóm Cao Chùa, xã Mỹ Yên (Đại Từ), là thân nhân của 2 liệt sĩ Đặng Xuân Tự và Đặng Văn Bẩy, cho biết: 2 anh trai tôi nhập ngũ và đều hy sinh năm 1969. Chính quyền địa phương và gia đình đã nhận được giấy báo tử nhưng chỉ ghi là hy sinh tại mặt trận phía Nam, còn phần mộ ở đâu lại chưa rõ. Nhiều năm qua, gia đình tôi đã nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ để quy tập hài cốt 2 anh trai tôi về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương nhưng vẫn chưa thực hiện được. Đại diện gia đình tôi cũng đã lặn lội vào các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Khe Sanh cùng một số khu vực của tỉnh Thừa Thiên - Huế theo dấu thư mà 2 anh trai tôi gửi về trước khi hy sinh và theo thông tin của đồng đội cung cấp, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Gia đình tôi luôn mong mỏi sớm tìm được hài cốt của 2 liệt sĩ để đưa về quê nhà hương khói. 

Tương tự hoàn cảnh của gia đình ông Đặng Văn Chín, nhiều gia đình trong tỉnh có con em nhập ngũ, hy sinh và đã được công nhận là liệt sĩ, được hưởng các chế độ của người công với nước nhưng vẫn còn nỗi buồn vì chưa rõ phần mộ của liệt sĩ ở đâu. 

Đơn cử như trường hợp của thân nhân liệt sĩ Đào Huy Lự (hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1973). Ông Đào Huy Lự nguyên là cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Thái, tình nguyện lên đường nhập ngũ tháng 3-1968 và được biến chế về một đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Bến Tre. Ngày 25/8/1973, ông Đào Huy Lự đã hy sinh tại chiến trường phía Nam, nhưng nhiều năm qua gia đình chưa tìm được hài cốt liệt sĩ. Khi có thông tin quân nhân Đào Huy Lự hy sinh tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), thân nhân của liệt sĩ đã đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh giúp đỡ tìm kiếm. 

Sau khi nắm được thông tin từ người thân của liệt sĩ Đào Huy Lự, Bộ CHQS tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Bến Tre đề nghị phối hợp trong quá trình tìm kiếm hài cốt và thường xuyên liên lạc với thân nhân liệt sĩ để thông tin các nội dung liên quan. Tuy nhiên, qua nhiều năm tìm kiếm, đến nay thân nhân liệt sĩ vẫn chưa biết rõ về phần mộ của liệt sĩ Đào Huy Lự.

Thêm nữa là trên địa bàn tỉnh còn trường hợp quân nhân đã tử trận nhưng vì nhiều lý do, nguyên nhân mà đến năm 2022 vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang thẩm định một số trường hợp quân nhân đủ điều kiện đề nghị cấp có thẩm quyền báo tử liệt sĩ. 

Với tinh thần trách nhiệm và thấu hiểu nỗi mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ nên việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã, đang và sẽ được cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố tổ chức đoàn khảo sát, xác minh thông tin về hài cốt liệt sĩ tại nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh; hoàn thiện hồ sơ chi trả chế độ khi đủ điều kiện đối với các mộ phần của liệt sĩ mới tìm thành công. 

Cơ quan chức năng còn cung cấp trích lục thân nhân liệt sĩ được gần 1.000 đối tượng và tổ chức nhiều buổi hội thảo, kết luận thông tin về 39 phần mộ liệt sĩ tại các địa phương trong tỉnh. Đối với những phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ, còn nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa, dấu vết bị mất do thời gian sẽ tiếp tục được xác định qua các kênh...

Dù công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nhiều gian lao nhưng những thế hệ hôm nay vẫn đặt mọi quyết tâm, tình cảm, trách nhiệm cao nhất với niềm mong mỏi sớm đưa được các anh về yên nghỉ vĩnh hằng nơi quê nhà.