Rưng rưng Trường Sơn

09:56, 27/07/2022

Tháng Bảy, miền Trung thường nắng gay gắt, mưa cũng dữ dằn. Mặt đường Trường Sơn chúng tôi đi loang loáng sắc cầu vồng. Anh Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên nói bâng quơ: Một hiện tượng thường gặp của tự nhiên sau mưa… Vâng! Nhưng tôi thấy trong sắc cầu vồng ấy có màu lửa đạn chiến tranh. Bởi chúng tôi đang đi trên con đường huyền thoại của khúc ruột miền Trung. Dẫu thời gian làm phủ mờ những dấu tích tàn khốc của đạn bom, nhưng tiếng hát, tiếng cười nói tươi trẻ của những người con Anh hùng “sống mãi tuổi đôi mươi” như còn vọng lại. Tôi liên tưởng vậy khi thấy trước mắt mình là những nghĩa trang liệt sĩ nằm trải dài trên những triền đồi.

Khúc ruột miền Trung từng vời vợi với nỗi đau chiến tranh. Những vùng đất chúng tôi qua: Hà Tĩnh có ngã ba Đồng Lộc; Quảng Bình có Mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội sang sông; Quảng Trị, một bảo tàng chiến tranh ở Việt Nam, với Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, đảo Cồn Cỏ... Đặc biệt là Bảo tàng bom mìn (Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn) ở TP. Đông Hà. 

Những dòng sử trên vùng đất của một thời đau thương được chép lại bằng chất mực nặng hơn máu và nước mắt. Tôi nghĩ như thế vì biết rằng chiến tranh đã khép lại gần 50 năm nay, nhưng nỗi đau chưa bao giờ vơi nguôi trong lòng những người mẹ, người vợ và bao trẻ em sinh ra sau chiến tranh, song phải chịu thiệt thòi vì di chứng chất độc da cam. Rồi đã có bao cuộc hành trình tìm kiếm mộ phần đồng đội, trong đó có những cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên. Và chưa biết đến khi nào những chuyến đi tìm về quá vãng ấy mới kết thúc. 

Suy nghĩ miên man làm hành trình từ vùng đất thép Thái Nguyên vào đất lửa Quảng Trị như ngắn lại. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là có nhiều dãy phố, hầu như nhà nào cũng sắp lễ, thắp hương trước cửa vào mùng một, hôm rằm. Hỏi chuyện, một người dân nói rất nhỏ, vừa đủ cho tôi nghe: Vùng đất này có nhiều người con anh dũng của mọi miền đất nước đang yên nghỉ ngàn thu. Bởi lẽ ấy, bà con thường khói hương dâng kính để những người nằm lại đất này được ấm lòng. 

Tôi lặng người đi trong giây lát, có một cảm giác kỳ lạ, lành lạnh chạy dọc sống lưng khi biết riêng tại tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ. Mọi người có mặt trong xe ngồi lặng lẽ, bác tài xế cũng lặng lẽ lái xe ngược Quốc lộ 15 lên vùng Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị) viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Theo Ban Quản trang: Nghĩa trang có diện tích 140.000m2, gồm 3 quả đồi kề bên thượng nguồn sông Bến Hải. Các liệt sĩ nằm lại nơi này, tuổi mười tám, đôi mươi hóa thân vào lời ru Trường Sơn. 

Đất nước Việt Nam đã có bao thế hệ lấy máu xương mình xây nền đất nước. Bên Nhà tưởng niệm liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn (Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn), chúng tôi, những người con của Thái Nguyên, đứng lặng đi, nén dòng xúc cảm mà nước mắt trực trào. Anh Vũ Văn Mão bùi ngùi: Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Thái Nguyên có hơn 10.000 người con hóa thân vào sông núi, riêng ở Trường Sơn, trong khu nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn có gần 300 liệt sĩ. 

Tỉnh Thái Nguyên tự hào là nơi công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta (27/7/1947). Trong suốt 75 năm qua, tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp là các thế hệ cán bộ, viên chức làm công tác lao động, thương binh và xã hội luôn quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với thân nhân liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, những người có công với đất nước. Các liệt sĩ nằm đây với cát mềm, nắng lửa, yên lòng với tiếng ru của gió ngàn. Người thân của các anh nơi quê nhà đã có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thường xuyên quan tâm thăm nom, giúp đỡ. 

Trong ráng chiều tím đỏ, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có người mẹ già lưng còng gập đang lặng lẽ cắm lên từng mộ phần nén trầm thơm. Thấy chúng tôi đến gần bên, mẹ thủ thỉ: 18 tuổi, con của mẹ lấy máu viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ. “Hắn” bảo muốn vào mặt trận chiến đấu để được gặp mặt bố. Nhưng ngày đất nước thống nhất, cả hai bố con “hắn” không về. Cho đến bây giờ, mẹ cũng chưa biết bố con “hắn” nằm ở đâu… 

Lòng tôi trùng xuống, nước mắt trực trào. Chợt có làn gió thổi nhẹ! Lật mở cuốn sổ tay, tôi chép vội những dòng tên ghi trên bia mộ: Liệt sĩ Hoàng Văn Thăng (Độc Lập, Đại Từ, Bắc Thái), sinh năm 1943, hy sinh ngày 17/4/1972; liệt sĩ Hứa Văn Siễn (Tiên Thượng, Chợ Đồn, Bắc Thái), hy sinh tháng 7-1972, cùng hàng trăm dòng tên các liệt sĩ là người Thái Nguyên, Bắc Kạn. Dòng tên của các anh đã hóa thành hùng thiêng sông núi.