Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 2243/BHXH-TST yêu cầu Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố tăng cường đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Ảnh minh họa. |
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn khá cao.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là do một số địa phương chưa tích cực trong việc triển khai các giải pháp đôn đốc thu hằng tháng, nhất là việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị còn chưa nghiêm…
Để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội của đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, chủ động triển khai giải pháp thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng.
Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần phân công lãnh đạo, cán bộ bám sát, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị chậm đóng lớn (trọng điểm) chiếm 80% số tiền chậm đóng của địa bàn quản lý (hoàn thành trước 30/8/2022) để làm căn cứ để đôn đốc thu, xử lý vi phạm…
Thời gian qua, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục. Đến thời điểm hết tháng 7-2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội của cả nước còn hơn 23.000 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng số tiền cần thu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của nhiều người lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin