Hằng năm, những đợt mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, đá khiến nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã ưu tiên sử dụng ngân sách để cải tạo, sửa chữa nâng cấp nhiều hạng mục công trình, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Mưa lũ gây sạt lở sát chân móng trụ cột néo dây lắc ngang cầu treo Tân Yên (xã Hoà Bình), gây nguy cơ mất an toàn. |
Cầu treo Tân Yên thuộc xã Hòa Bình được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Đây là cây cầu duy nhất để người dân 2 xóm Tân Yên và Đồng Vung đi lại, thông thương hàng hoá với khu vực trung tâm xã nên lưu lượng người, xe đi lại rất đông. Tuy nhiên, mỗi năm, vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về gây xói lở chân cầu và chân móng trụ cột néo dây lắc ngang, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Bà Triệu Thị Thủy, người dân xóm Tân Yên, chia sẻ: Mới đây nhất, đợt mưa lũ cuối tháng 5 vừa qua đã làm xói lở 150m3 đất sát chân móng trụ cột néo dây lắc ngang, ảnh hưởng đến hoạt động của cầu treo Tân Yên. Chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ mỗi lần đi qua cầu.
Tương tự, người dân xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, luôn bất an khi đi trên tuyến đường từ xóm đến trung tâm xã, có chiều dài khoảng 10km, được xây dựng, nâng cấp năm 2017. Đây là tuyến đường duy nhất phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa kết nối với trung tâm xã của gần 180 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Tày, Nùng) xóm Mỏ Ba. Do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, một số đoạn trên tuyến đường bị sạt lở taluy dương, nhiều vị trí bị sạt lở sâu vào nền đường, trơ hàm ếch dưới lớp bê tông…
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra cho huyện Đồng Hỷ trong năm 2022 là trên 26 tỷ đồng. Những thiệt hại này đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, sản xuất và đời sống của nhân dân.
Do đó, cùng với việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại trong sản xuất và nhà ở cho người dân sau thiên tai, huyện Đồng Hỷ xác định, sửa chữa các công trình dân sinh là rất cấp thiết, cần nguồn lực lớn. UBND huyện đã tổ chức đoàn công tác để đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai tại các địa phương. Sau đó lập bản kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Qua kiểm tra, đánh giá, có 9 công trình được UBND huyện Đồng Hỷ tiến hành khắc phục khẩn cấp gồm: Đường giao thông vào hồ La Thông; xây dựng kè khắc phục sạt lở mái taluy đường giao thông vào hồ Làng Lậm (xã Hóa Trung); xây dựng đường tràn xóm Cao Phong (xã Hợp Tiến); khắc phục hư hỏng tại vị trí cống qua đường trên tuyến đường giao thông xóm La Dẫy (xã Khe Mo); khắc phục hư hỏng đường giao thông, mương thuỷ lợi thuộc xóm Hoàng Gia (xã Nam Hoà); xây dựng cống qua đường; khắc phục sạt lở mái taluy đường giao thông xóm Hoà Khê 2 (xã Văn Hán); khắc phục sạt lở tuyến đường đi xóm Mỏ Ba (xã Tân Long); xây dựng kè khắc phục sạt lở bờ sông Cầu, vị trí cầu treo Tân Yên (xã Hòa Bình).
Hiện nay, 8/9 công trình trong diện cần khắc phục khẩn cấp đã được triển khai thi công, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 5/9 công trình đã cơ bản hoàn thiện. Riêng công trình xử lý, khắc phục sạt lở tuyến đường đi xóm Mỏ Ba, xã Tân Long do địa hình thi công hạng mục bê tông mái taluy có độ dốc lớn, gây khó khăn trong quá trình thi công, nên khó đẩy nhanh tiến độ. Địa phương đã mời đơn vị tư vấn đi hiện trường kiểm tra và đưa ra giải pháp khắc phục đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Công tác khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang được chính quyền địa phương dồn lực triển khai. Trong đó tập trung vào khôi phục các công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Điều kiện mùa khô các nhà thầu đã cam kết dồn các nguồn lực để hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin