Chợ chiều 30 Tết

Mai An 17:33, 21/01/2023

Chiều 30 Tết, buổi chợ cuối cùng của năm Nhâm Dần, vẫn tấp nập người mua, người bán. Các hàng bán thịt, rau, quầy hoa, sạp quả… nườm nợp người đến và đi. Người ta nói rằng, buổi chợ chiều 30 Tết dành cho những người bận rộn, cũng là phiên chợ của những ai nhàn tản.

Cuối giờ chiều 30 Tết, khá nhiều người bán hoa, cây cảnh đã "xả hàng" để về đón Tết cùng gia đình.

Dạo một vòng quanh khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên, không khí mua sắm tất bật khiến cái rét cuối Đông như bị đẩy lùi. 30 Tết năm nay, trời nắng hanh hao sau chuỗi ngày rét đậm, việc mua bán ở chợ hoa vì vậy cũng bớt ảm đạm hơn. Tuy vậy, lẫn trong những chậu quất, cành đào, cây mai là ánh mắt lo lắng của người nông dân, các tiểu thương bán hoa, cây cảnh vẫn mòn mỏi ngóng khách. 

Chị Bùi Thị Đào, một tiểu thương bán hàng ở chợ hoa trên đường Nha Trang (TP. Thái Nguyên), bồn chồn: Tôi còn hơn 60 chậu quất nữa, cả lớn lẫn nhỏ. Đã là chiều 30 nên tôi đang “tháo khoán” bán đồng giá 200 nghìn đồng một chậu lớn và 100 nghìn đồng với cây nhỏ. Vậy nhưng nhiều người vẫn chưa ưng mà muốn dạo một vòng chợ để khảo giá và lựa cây đẹp hơn.

Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Phú than thở: Không phải chúng tôi bán đắt rồi đến chiều 30 lại hạ giá, mà năm nay thật sự vắng khách. Tôi cũng đang phải “xả hàng”. Cúc đại đóa bán 300 nghìn đồng/cặp cao đến trên đầu gối; cây mai vàng, mai trắng cũng chỉ còn vài trăm nghìn/chậu...

Chung nỗi lo lắng như chị Đào, anh Phú, anh Nghiêm Văn Dũng, ở tỉnh Bắc Giang, nói: Năm nay dịch bệnh tan, nên tôi quyết “đánh liều” nhập nhiều quất, đào cảnh về bán nhưng giờ vẫn còn non nửa. Nếu không bán hết thì khoảng 18 giờ tôi vẫn thu cây, mang về trồng và đợi dịp Tết năm sau. 

Bên cạnh những quầy hoa, cây cảnh, cuối giờ chiều ngày 30 Tết, hầu hết các gian hàng bán đồ trang trí, chậu cây, đèn… đã bắt đầu dọn hàng. Nhanh tay thu dọn quầy hàng, chị Nguyễn Thị Ngân, mau mắn: Về thôi! Nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa rồi nấu mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên để mong cầu khó khăn sớm qua, năm mới nhiều tài lộc, may mắn.

Dạo chợ chiều 30, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh nhàn tản của không ít gia đình. Anh Trần Đình Đông, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), nói: Nhà tôi mua sắm đủ rồi nên chỉ muốn dạo một vòng chợ để hít hà cái không khí Tết đang tràn về, để ngắm nhìn phố phường tấp nập và cũng để các cháu cảm nhận không khí Tết vui vẻ, nhộn nhịp.

Như đã nói, chợ chiều 30 cũng dành cho những người bận rộn như chị Nguyễn Thị Oanh. Nhà chị Oanh có nghề gói bánh chưng và làm giò chả nên trưa nay chị mới trả hết đơn hàng cho khách. Sau khi dọn dẹp, chị Oanh dạo một vòng chợ để “quét” những thứ còn thiếu. Chị bảo: Ngoài những đồ “của nhà trồng được” thì gà, đồ cúng, mâm ngũ quả đã có người “ship” đến tận nơi. Tuy vậy, tôi vẫn muốn dạo chợ để tự tay chọn bánh kẹo đãi khách, lựa những bông hoa đẹp để trang trí trong nhà. Năm nay, con gái tôi từ nước ngoài về sau 3 năm đi học xa nhà nên Tết rộn ràng hơn, tôi nghỉ làm hàng đến ngoài mùng 10, thay vì mùng 5, mùng 6 như mọi năm.

Chiều 30 Tết, sự hối hả của những ngày cuối tháng Chạp đã tạm nguôi ngoai. Tín hiệu bình yên đầu tiên của mùa Xuân dễ dàng nhận ra ở khắp mọi nơi. Chút cập rập của người bận rộn, chút lắng lòng của người đã chuẩn bị tươm tất cho Tết hay chút ngậm ngùi của người chưa kịp bán hết hàng hóa. Tất cả lắng đọng lại, tạo nên hương vị rất riêng của ngày Tết.

Sau một hồi chọn lựa, đến khi trời chạng vạng, chị Oanh cũng “tay xách nách mang” đủ thứ hàng hóa để cả gia đình đón một năm mới tươm tất. Gia đình anh Đông cũng giục nhau về nhà quây quần bên mâm cơm tất niên. Còn với chị Đào, anh Dũng, anh Phú, dù còn đó những lắng lo nhưng họ vẫn nhanh tay thu dọn những chậu hoa, cây cảnh cuối ngày để về sum vầy đón Tết cùng gia đình. 

Từ buổi chợ chiều 30 Tết, có thể nhìn ra đủ "hỷ, nộ, ái, ố" trong một năm đã qua. Cũng là cảm nhận sự chăm chỉ lao động và tâm lý hướng về gia đình, quê hương của người Việt. Và từ chợ chiều 30 Tết, người ta trông chờ khởi sự cho năm mới bình yên…