Vùng cao rực rỡ sắc Xuân

Tùng Lâm 14:50, 20/01/2023

Đi qua những ngày Đông lạnh giá, hương Xuân ấm áp ùa về khắp các bản làng ở vùng cao Võ Nhai. Trong làn mưa bụi lất phất bay, hình ảnh những cây đào phai đang chúm chím hé nụ ở trước sân, đầu ngõ nơi rẻo cao đã khắc họa nên một Võ Nhai rất riêng biệt. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo choàng rực rỡ sắc màu mùa Xuân. 

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm trong vườn đào phai của người dân ở xóm Khuôn Vạc, xã La Hiên (Võ Nhai).

Đào phai khoe sắc

Một ngày cuối năm, khi công việc trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa đón Xuân mới đã hoàn tất, tôi cùng những người bạn lại dạo quanh các bản làng vùng cao ở La Hiên, Cúc Đường, Lâu Thượng, Phú Thượng… để được ngắm những cây đào phai (người dân vùng cao thường gọi là đào ta) khi mùa Xuân về. Không có vẻ đẹp xù xì như đào phai Tây Bắc, nhưng những cây đào ta” ở các bản làng vùng cao Võ Nhai mang một vẻ đẹp mong manh, dịu dàng. Trong tiết trời Xuân, đi giữa hương rừng, gió núi, được ngắm những ngôi nhà gỗ, nhà sàn nằm gọn trong thung núi và những cây hoa đào phai đang khoe sắc trong vườn, ngoài ngõ, trên đường, trong lòng mỗi chúng tôi đều vô cùng xốn xang.

Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là nhiều hộ dân ở Võ Nhai vẫn giữ được những cây đào phai từ năm nay sang năm khác. Hoa đào phai, cánh mỏng nhẹ, màu phớt hồng được ví như một “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân vùng cao mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Ông Hoàng Văn Tài, bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), cho hay: Nhà mình trồng cây đào phai ở ngay phía sau nhà. Mùa Xuân về, hoa nở, ngắm những cành hoa qua khung cửa sổ, mình cảm thấy thật thư thái, nhẹ nhàng. Vì để hoa nở tự nhiên nên có những năm, hoa nở trước hoặc sau Tết. Dù vậy, mình vẫn thấy thích cây đào ta này bởi hoa rất lâu tàn.

Khoảng vài năm trở lại đây, khi người dân Hà Thành và một số tỉnh lân cận có xu hướng tìm về sắc đào phai để chơi trong ngày Tết, nhiều hộ dân ở Võ Nhai đã nhân rộng vườn đào để cung cấp cho khách hàng. Vì thế, những cây đào phai đã không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con mà còn mang lại giá trị kinh tế, trở thành nguồn thu nhập không hề nhỏ của không ít gia đình mỗi dịp Xuân về. Đây chính là một tín hiệu tốt để sắc đào phai còn mãi trong mỗi nếp nhà ở rẻo cao Võ Nhai.

Cô trò Trường Mầm non Phú Thượng (Võ Nhai) gói bánh chưng đón Tết sớm tại trường.

 Xuân về ấm no

Về Võ Nhai ngày Xuân, chúng tôi không chỉ thỏa sức ngắm những cây đào phai đang đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa mà còn được thưởng thức những món ăn của người dân vùng cao. Nhiều năm trở lại đây, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong vùng đã giúp cho những món ăn ngày Tết của người dân Võ Nhai thêm phần phong phú. Trên mâm cơm của đồng bào Mông cũng có canh măng khô ninh xương, lạp sườn, bánh chưng gù của người Tày, người Nùng chứ không chỉ đơn thuần là thịt, rượu như trước…

Đến với các bản làng vùng cao Võ Nhai, chúng tôi cũng vô cùng thích thú khi được nhấm nháp những phong bánh khảo dẻo thơm, ngọt bùi. Thứ bánh khảo được bà con tự tay chọn gạo nếp, rang thơm, xay nhỏ, hạ thổ, trộn với đường phên, đóng bánh và gói bằng loại giấy đủ màu sắc trông thật thích mắt...

Một nét đặc sắc của người vùng cao Võ Nhai nữa là sắc đỏ luôn tràn ngập trong nhà, ngoài ngõ. Ông Ma Văn Tình, xã Tràng Xá, nói: Trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ là phong tục của người Tày chúng tôi. Ngoài bàn thờ ra thì nhà nào cũng dán giấy đỏ chỗ cửa ra vào, cột nhà, cửa chuồng trâu, bò, lợn, gà, cuốc xẻng… để cầu lộc, cầu sang năm mới gia đình được bình an, làm ăn suôn sẻ, mọi người khỏe mạnh…

Lần theo những dấu giấy đỏ, dạo quanh các bản làng vùng cao đúng dịp giao thời giữa năm cũ và năm mới, chúng tôi thấy đâu đâu cũng thấy sức sống mới hiện hữu trong không khí ấm áp tràn đầy nhựa sống của ngày Xuân...


Từ khóa:

mùa xuân

vùng cao

Võ Nhai