Ông Hoàng Văn Minh, sinh năm 1962, dân tộc Nùng, là người có uy tín tiêu biểu của xóm Thịnh Khánh, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Ông giữ vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở...
Ông Hoàng Văn Minh là người gương mẫu trong phát triển kinh tế tại địa phương. |
Xóm Thịnh Khánh có hơn 400 nhân khẩu, với 80% số hộ dân là đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan... Năm 2001, ông Minh được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng xóm. Và từ 2005 đến nay, ông được chính quyền địa phương và nhân dân trong xóm tin tưởng lựa chọn là người có uy tín trong cộng đồng.
Ở Thịnh Khánh, công việc của ông Minh lúc nào cũng miệt mài và thầm lặng như một “chiếc cầu” bắc nhịp, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Ông chia sẻ: Để được bà con tin tưởng thì trước hết mình phải gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cùng "xắn tay vào việc".
Bằng uy tín của mình, ông Minh đã vận động bà con hiến đất làm đường bê tông. Ông cho hay: Năm 2012, khi Nhà nước có chủ trương làm đường bê tông. Để người dân đồng thuận, hiến đất mở rộng lòng, lề đường, tôi nói với bà con rằng Nhà nước đã hỗ trợ xi măng nên nếu xóm mình không quyết tâm làm thì sẽ thiệt thòi. Đồng bào thật thà, chất phác, luôn phải luôn nói thẳng và rõ ràng, công khai. Nếu nói mà không gương mẫu, hoặc không ai làm trước thì khó tìm được sự đồng thuận. Qua vận động, những nhà có điều kiện kinh tế khá hơn vui vẻ đóng góp tiền, hiến đất, còn hộ nghèo góp công, góp sức. Nhờ vậy, người dân trong xóm đã có hơn 500m đường bê tông đi lại thuận tiện hơn.
Bản thân ông Minh còn tự nguyện để lại phần đất canh tác của gia đình cho xóm Thịnh Khánh xây nhà văn hóa. Ông kể lại: Trước năm 2015, Thịnh Khánh chưa có nhà văn hóa. Lúc đó, chúng tôi đã tổ chức họp xóm để tìm, tham khảo xem có vị trí phù hợp để xây nhà văn hóa. Lúc đó, gia đình tôi lại có mảnh đất canh tác nằm cạnh mặt đường, địa thế đẹp nên tôi đã về bàn bạc với người nhà và chủ động đề xuất để lại cho xóm.
Nhờ đó, nhà văn hóa xóm Thịnh Khánh với diện tích 600m2 đã được xây dựng, trở thành nơi hội họp, sinh hoạt, giao lưu giữa các những hộ dân, góp phần tạo sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Năm 2022, tất cả 82 hộ dân trong xóm đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, ông Minh luôn tích cực đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Đơn cử như trong phát triển kinh tế, ông tận dụng diện tích đất sẵn có để trồng rau, màu. Với đức tính cần cù, chịu khó cùng kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu năm, diện tích rau màu của gia đình ông luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mùa nào thức nấy, những luống su hào, súp lơ, bắp cải, giàn bầu, giàn mướp… luôn xanh mướt vì được chăm sóc đầy đủ, áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Với 4 sào rau, 6 sào lúa, ngô, 4 sào trồng cây ăn quả, nuôi gần 300 con gà, mỗi tháng, gia đình ông Minh có thu nhập từ 10-15 triệu đồng.
Không những vậy, ông Minh còn tích cực vận động, chia sẻ kinh nghiệm để bà con trong xóm cùng phát triển kinh tế. Từ sự tâm huyết của người Trưởng xóm có uy tín, cùng sự nỗ lực, đồng thuận của bà con, đến nay, đời sống của người dân xóm Thịnh Khánh ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Ông Minh là một trong những tấm gương người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Sự tâm huyết trong công tác xã hội và luôn hết mình vì cộng đồng của ông đã để lại ấn tượng với đồng bào sự tin tưởng và là điểm tựa tinh thần trong cộng đồng dân cư.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin